Ý nghĩa của mâm ngũ quả

(khoahocdoisong.vn) - Với người Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung, Tết là sự kiện quan trọng nhất trong năm. Dù ngày nay, mọi thứ đều có sẵn và dễ mua, nhưng chuẩn bị mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ cho đúng không phải ai cũng biết.

Ước nguyện của gia chủ và sự tri ân tổ tiên

Phong tục thờ cúng tổ tiên là nét đẹp nhân văn thể hiện sự hiếu đễ của con cháu với gia tiên. Dù vô tình hay hữu ý, chúng ta đều đã chấp nhận phần "văn hóa tâm linh " luôn song hành trong thế giới đương đại. Mâm ngũ quả là để thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng hơn năm trước. Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều được gán một ý nghĩa riêng, tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và tập quán riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.

Mâm ngũ quả là mâm để lễ trên bàn thờ gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Ngoài ra, “ngũ” còn tượng trưng 5 phạm trù theo từng ý nghĩa riêng. Với người Việt, đa phần là ước muốn “ngũ phúc lâm môn”: Phú, quý, thọ, khang, ninh.

1. PHÚ: Giàu có về tiền bạc, vật chất,

2. QUÝ: Đài các, sang trọng, vinh hiển, cao quý

3.THỌ:  Sống lâu để hưởng phúc. sống lâu để hưởng phú quý .

4. KHANG:  Khỏe mạnh (kiện khang thân thể).

5. NINH: Sống yên ổn, an lành.

Một quan niệm khá phổ biến của người miền Bắc là lý giải mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong cảnh ngày Tết. Còn việc giải thích theo ”Ngũ hành” chỉ là tượng trưng mà thôi, chứ về mặt bản chất thì các loại quả đều là thuộc tính của hành MỘC, cớ sao lại là “ngũ hành”. 

Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” là 5 loại quả nữa mà có thể là 6,7,8,9,10 loại tùy ý, có thể thêm chùm nho mọng, thêm táo xanh, thanh long đỏ, hồng xiêm… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Người miền Trung, miền Nam bày mâm ngũ quả tùy theo các loại trái cây của địa phương và cũng tùy theo tập quán của vùng miền. Tuy nhiên  tựu chung lại, “mâm ngũ quả” thể hiện thành tựu lao động mà con cháu dâng cúng tri ân tổ tiên

Đối với những người theo đạo Phật, hoa quả còn tượng trưng cho thành tựu của luật Nhân Quả, gieo nhân lành sẽ gặt hái hoa thơm trái ngọt. Ngoài ra còn mang nhiều ý nghĩ trong nghi thức tu đạo.

Ngũ quả tượng trưng cho Ngũ thừa Phật giáo:

  1. Con đường tu của Nhân Thừa
  2. Con đường tu của Thiên Thừa
  3. Con đường tu của Thanh Văn, Duyên Giác Thừa
  4. Con đường tu của Bồ Tát Thừa
  5. Con đường tu của Phật Thừa

Ngũ quả tượng trưng cho Ngũ uẩn:

  1. Sắc Uẩn là nhóm yếu tố tạo nên phần vật chất và sinh hóa của con người
  2. Thọ uẩn là nhóm cảm giác sinh ra do sự tiếp xúc giữa 5 giác quan và 5 đối tượng tương ứng.
  3. Tưởng uẩn là nhóm nhận thức được cả hai đối tượng vật chất và tinh thần.
  4. Hành uẩn  là sự phản hồi có điều kiện với những đối tượng của kinh nghiệm, của những hành vi đã trải nghiệm qua.
  5. Thức uẩn  là khả năng nhận biết trực tiếp các hiện tượng nội giới và ngoại giới. 

 Ngũ quả tượng trưng cho cờ Ngũ sắc:

  1. Màu xanh dương tượng trưng cho Từ bi.
  2. Màu vàng tượng trưng cho Trung đạo.
  3. Màu đỏ tượng trưng cho Đạo đức.
  4. Màu trắng tượng trưng cho Đạo Pháp vượt ra khỏi không gian và thời gian.
  5. Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ.

Ngũ quả tượng trưng cho Ngũ vị: Là gia vị hỗn hợp gồm 5 loại vị cơ bản trong ẩm thực như mặn, ngọt, chua, cay, đắng.

Gia tiên nên cúng chay hay mặn?

Phong tục thờ cúng gia tiên là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, đã được hình thành từ rất lâu đời. Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ mai sau. Việc cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, cũng chính là làm cho các thành viên trong gia đình càng đoàn kết hơn, đùm bọc nhau hơn, kế tục truyền thống của tiền nhân.

Phong tục thờ cúng tổ tiên trong nhiều gia đình hiện nay chưa thực sự đúng cách. Khi mâm cúng có nhiều đồ rượu, thịt sẽ khiến phần “linh hồn” trở nên “nghiện” các thứ đó. Khi  cầu nguyện cho hương linh gia tiên được giải thoát, được trở về cảnh giới an lành  thanh tịnh mà lại dâng đồ cúng tanh hôi sẽ vô tình làm cho “thần thức” của gia tiên rời xa sự thanh tịnh.

Vậy nên trong mâm cúng lễ gia tiên, tốt nhất nên thay thế những đồ ăn tanh hôi bằng đồ chay và một không khí thanh tịnh. Khi được làm quen với môi trường thanh tịnh, được kính ngưỡng bằng những đồ “hỷ thực”, chính là cách tiếp thêm năng lượng tinh thần, để phần “linh giác ” vượt lên một bậc mới. Khi tham gia cúng lễ, con cháu tham gia phải thật sự chay tịnh, rời bỏ “tham, sân, si”, chỉ một lòng thanh tịnh hướng về gia tiên tiền tổ.

Trải qua nhiều lần được cộng hưởng trong tâm thức “hỷ thực” và môi trường thanh tịnh như thế, phần “thần thức” của gia tiên sẽ dần được nâng cấp về cảnh giới cực lạc. Trong niềm kính ngưỡng với gia tiên, việc cúng lễ một cách đúng đắn, chính là cách để đền đáp công ơn trời biển của các đấng sinh thành.

TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA)

Theo VietnamDaily
back to top