Xung đột gia đình tạm lắng, Nam A Bank vẫn chênh vênh cùng nợ xấu

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đạt 32%. Nợ xấu thấp, chỉ chiếm 0,8% trên tổng dư nợ. Thế nhưng, chất lượng tín dụng của ngân hàng này lại không cao, nghi vấn nợ xấu thực tế cao hơn gấp nhiều lần.

Nợ xấu ẩn

Nam A Bank trong khoảng nhiều năm trở lại đây luôn gây chú ý với mức tăng trưởng tín dụng thần tốc trên 2 con số. Năm 2020, Nam A Bank cũng ghi nhận nhiều khởi sắc hoạt động cho vay và huy động vốn, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.

Dư nợ cho vay của Nam A Bank trong năm qua đạt 89.172 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2019. Trong khi đó, số nợ xấu cho vay khách hàng của Nam A Bank chỉ khoảng 744 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,83% tổng dư nợ cho vay khách hàng, thấp hơn rất nhiều so với mức cho phép 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, tính đến thời điểm tháng 6/2020, tổng số nợ xấu (nhóm 3 - 5) của Nam A Bank vẫn là 2.559 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,93% tổng dư nợ.

Vậy Nam A Bank có phép màu gì có thể “hô biến” cả nghìn tỷ đồng nợ xấu trong những năm trước, để lại kết quả sổ sách “sạch đẹp”? Thực chất, Nam A Bank chỉ di dời các khoản nợ xấu của mình, cũng như “biệt phái” sang công ty đối tác, để nâng cao chất lượng tín dụng trên báo cáo tài chính.

Trong vòng 3 tháng cuối năm 2020, Nam A Bank đã dẹp bớt số nợ xấu trên bằng cách bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) các khoản nợ xấu có tổng dư nợ gốc là 2.234 tỷ đồng.

Đặc biệt, tính chung cả năm 2020, Nam A Bank đã “bán chịu” 3.552 tỷ đồng bao gồm các khoản nợ của mình cho một doanh nghiệp khác (tên của doanh nghiệp mua nợ này không được Nam Á tiết lộ). Nợ đã bán rồi, nhưng Nam A Bank vẫn phải trích lập dự phòng cho từng món nợ cụ thể trên.

Hơn 3.500 tỷ đồng cho vay khách hàng được chuyển sang mục phải thu trong tài sản có khác của ngân hàng. Chỉ bằng một nghiệp vụ bán chịu nợ xấu, Nam A Bank vừa giảm được nợ xấu, vừa làm tăng tài sản của mình trên sổ sách.

Thực tế, tổng số nợ xấu của Nam A Bank trong năm 2020 không hề nhỏ, ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể, Nam A Bank còn các khoản cho vay 200 tỷ đồng đối với 3 quỹ tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt, do các quỹ tín dụng này không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ.  

Nếu tính đúng và đủ số nợ xấu thực của Nam A Bank trong năm 2020, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng sẽ trên 6,7%. Ngay cả khi bán nợ sang VAMC rồi, tỷ lệ nợ xấu vẫn trên 4%, vượt mức cho phép của NHNN.

Tăng trưởng tín dụng nhanh, thần tốc là một điều bất kỳ ngân hàng nào cũng mơ ước, nhưng đi theo nó lại là hệ lụy rủi ro tín dụng, nợ xấu tăng cao. Do đó, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên 30% là “tăng trưởng nóng” kéo theo chất lượng tín dụng đi xuống.

Xung đột gia đình tạm lắng trước pháp lý

Kết thúc năm 2020, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận ròng 800 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2019 (tương ứng tăng 69 tỷ đồng).

Tăng trưởng tín dụng cao đã giúp Nam A Bank tăng thu nhập lãi thuần 19% lên 2.592 tỷ đồng. Thu nhập lãi từ các hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh 60,3%, từ 73 tỷ đồng trong năm 2019 lên 117 tỷ đồng trong năm 2020. Kinh doanh ngoại hối cũng mang lại doanh thu tốt với khoản lãi 46 tỷ đồng. Mua bán trái phiếu mang về cho Nam A Bank gần 196 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nam A Bank cũng thu hồi được 202 tỷ đồng từ việc thanh lý, xử lý nợ.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của Nam A Bank lại kém thuận lợi hơn, ít hiệu quả. Năm 2020, Nam A Bank đầu tư thêm 50 tỷ đồng cho Công ty AMC Nam A Bank (Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản), nâng tổng số đầu tư lên 100 tỷ đồng. Nhà băng này còn đầu tư dài hạn 115 tỷ đồng để mua 11% vốn cổ phần 2 công ty khác.

Thu nhập chia cổ tức, cổ phần từ việc góp vốn đầu tư dài hạn này chỉ  mang về cho Nam A Bank vỏn vẹn 4,8 tỷ đồng, tương đương với khoản lãi 2,2%/năm, không bằng lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng khác.

Tăng trưởng “nóng” tín dụng kèm theo nhiều rủi ro khiến Nam A Bank phải tăng trích lập dự phòng (558 tỷ đồng), dẫn đến lợi nhuận bị giảm đi đáng kể.

Tháng 2/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (CSĐT) có thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu Nam A Bank và Công ty TNHH Hoàn Cầu, Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang, Công ty TNHH Phương Long Bình.

Theo cơ quan điều tra, vụ án này liên quan đến vấn đề về quyền thừa kế tài sản của ông Nguyễn Chấn (chồng của cố doanh nhân Tư Hường) và con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank. Phải làm rõ được ai là chủ tài sản này mới có thể xác định hành vi chiếm đoạt tài sản thừa kế. Nhưng gia đình ông Nguyễn Chấn và ông Nguyễn Quốc Toàn đến nay chưa từng thực hiện phân chia tài sản thừa kế, dù đã được cơ quan CSĐT hướng dẫn.

Cơ cấu cổ đông của Nam A Bank, tính đến ngày 31/12/2020, ông Nguyễn Quốc Toàn là cổ đông cá nhân lớn nhất, đang nắm giữ 19,45 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu là 4,261%.

Chị gái ông Toàn là bà Nguyễn Thị Thanh Vân sở hữu 19,44 cổ phiếu Nam A Bank, tương đương 4,259% tỷ lệ sở hữu ngân hàng. Tiếp đến là cha của ông Toàn, bà Vân - ông Nguyễn Chấn nắm giữ 18,78 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 4,114% vốn cổ phần Nam A Bank.

Nam A Bank vẫn khẳng định, đây là vấn đề tranh chấp gia đình, không liên quan đến ngân hàng, nhưng những cá nhân này cũng là những cổ đông lớn nhất của ngân hàng. Việc xung đột pháp lý thượng tầng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít tới hoạt động ngân hàng.

Theo TT&CS
Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố việc ông Hồ Doãn Cường và ông Hà Văn Trung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10 và 10/10/2024. Các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực trong vòng 4 năm.
back to top