Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất trong 9 năm qua. |
Thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ năm 2009 lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ vào năm 2019. Quy mô thương mại của Việt Nam không ngừng tăng lên trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực ngoại thương vẫn đạt những kết quả tích cực, thặng dư thương mại đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%. Đây cũng là mức tăng cao hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 9 (khi đó dự báo chỉ tăng từ 3,5 - 4%).
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 15,7%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 47,8%; sắt thép các loại tăng 23,7%; dây điện và cáp điện tăng 21,6%; phân bón các loại tăng 26,6%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,9%... Đáng chú ý, mặt hàng sản phẩm đồ nội thất từ chất liệu khác gỗ và đồ chơi dụng cụ thể thao là hai mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao (lần lượt là 47,6% và 48,7%). Đây là những nhóm hàng mới, có tăng trưởng cao ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh chưa được khắc phục hoàn toàn và là điểm tích cực cần được khai thác trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của cả nước cũng có những chuyển biến tích cực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong tháng 12/2020 nhập khẩu tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%.
Ước tính năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ quý IV/2020 ước tính đạt 820 triệu USD, giảm 84,8% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 14,6%.
Tính chung năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 6,3 tỷ USD, giảm 68,4% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước tính đạt 18,3 tỷ USD, giảm 14,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2020 là 12 tỷ USD, gấp gần 2 lần kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, tăng 10,5 tỷ USD so với năm 2019.
Năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường ASEAN đạt 30 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.
“Bà đỡ” xúc tiến thương mại
Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Nếu như xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019 và 82,9% của năm 2018…
20 hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài được tổ chức trong năm 2020. |
Năm 2020, với tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, mọi lĩnh vực của nền kinh tế gặp khó khăn trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu.
Từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đã thí điểm hoạt động trên các ứng dụng trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài tổ chức 20 hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria...
Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau 35 năm hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay Việt Nam đã là “bạn hàng” với hầu hết tất cả các quốc gia thành viên WTO. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế rất rộng với việc tham gia vào 16 FTA, 13/16 FTA đã có hiệu lực.
Điểm nhấn quan trọng của năm nay chính là xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục, lên tới 19,1 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD). Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt thặng dư trong toàn bộ giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.