Xuất khẩu nông sản vẫn mù mờ về cung và cầu

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tình trạng nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu thời gian qua có nguyên nhân từ chính nền kinh tế nông nghiệp của ta còn mù mờ về cung cầu, chưa đi vào quỹ đạo.

Tư duy theo "mùa"

Thời gian qua, Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID" đã khiến thông quan chậm, hệ quả là hàng loạt xe container chở hàng nằm dài tại các cửa khẩu chờ thông quan.

Tính đến sáng ngày 4/3,  lượng xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu của Lạng Sơn là 1.400xe, trong đó 800 xe chở nông sản. Tỉnh đã phải ra thông báo tạm ngừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi đến 15/3.

Tuy nhiên, với việc đang vào vụ mùa nông sản, sau 15/3 số lượng xe hàng tồn trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ còn tăng lên. Theo bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, dự kiến đến 20/4 sẽ tồn khoảng 2.000 xe. 

Lý giải thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng có 3 yếu tố dẫn tới tình trạng ùn ứ nông sản, gồm: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

"Ta gần như đi buôn chuyến nhiều hơn, sản xuất và xuất khẩu nông sản chưa có tính kết nối cung cầu. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đã chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thờ ơ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần thời gian dài mới có thể thay đổi được thói quen kinh doanh "đã ăn sâu bám rễ", là xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường mòn lối mở, tiểu ngạch.

Việc nông sản bị ùn ứ nghiêm trọng kéo theo tháng vừa qua kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 90 triệu USD, con số thấp kỷ lục, ông Bình cho hay.

Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng ở các địa phương hầu hết là thả nổi để người nông dân tự làm. Chính quyền địa phương chỉ nắm được sơ bộ sản lượng trồng bao nhiêu ha, thu được bao nhiêu tấn hàng... còn các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn

Kỳ vọng trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu

Để giải quyết căn cơ câu chuyện ùn ứ tại cửa khẩu, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đề xuất lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó mới giao. Các điểm trung chuyển không chỉ là nơi làm thủ tục hải quan, mà còn để tuyển chọn, phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng  chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do chính quyền tỉnh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Sau tỉnh Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.

Tại trung tâm này, phía Trung Quốc có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang để kiểm tra một lần duy nhất. Sau đó, xe chở nông sản phía Việt Nam có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ giữa thương nhân hai bên.

Khi xảy ra dịch bệnh, khu vực này là "vùng xanh", tức nông sản Việt vẫn bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của Trung Quốc. Còn trường hợp xảy ra ùn ứ, nông sản sẽ được sơ chế, bảo quản tại kho lạnh để tránh hàng nằm ở container dẫn tới giảm chất lượng.

Bên cạnh việc tạo lập trung tâm kết nối, ông Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cũng cần tổ chức, phát triển sản xuất theo chuỗi, hệ sinh thái và tín hiệu thị trường. Cụ thể, Bộ phát triển đề án riêng cho từng thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Quốc, EU.

Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.

"Trước nay chúng ta vẫn tư duy ngắn hạn, nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước", ông Hoan nói.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top