Ổ dịch xuất hiện ở nhiều tỉnh thành
Tối 10/2, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội thông tin, ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện cách đây một tuần tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ). Vịt ăn ít, sốt, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng. Sau đó, dịch lan sang đàn vịt của ba hộ khác trong xã. Thú y huyện Chương Mỹ đã tiêu hủy toàn bộ số vịt bị bệnh, lập chốt kiểm dịch, ngăn vận chuyển gia cầm ra khỏi khu vực, phun khử khuẩn và tiêm văcxin phòng bệnh cho toàn bộ gia cầm trong huyện. Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước với 34 triệu con. Cơ quan Thú y thành phố dự kiến tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm vào tuần tới.
Cũng trong ngày 10/2, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, hơn 23.000 gà, vịt nhiễm cúm A/H5N6 là của 10 hộ dân ở xã Tân Khang, Tân Thọ (huyện Nông Cống) và xã Quảng Trường (huyện Quảng Xương). Trong đó huyện Nông Cống tiêu hủy hơn 19.800 con, huyện Quảng Xương hủy gần 3.300 con. Nhà chức trách đã phun thuốc khử trùng bao vây ổ dịch, yêu cầu các hộ chưa được tái đàn trong thời gian tới. Ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên tiêm phòng đàn gia cầm theo định kỳ, thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), qua công tác giám sát chủ động đã phát hiện một số trường hợp dương tính với virus A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại thôn Kéo Quang (khu vực giáp biên giới) của xã Chi Lăng huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại thôn Tân Sơn, Xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh. Trong ngày 10/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra công điện khẩn yêu cầu yêu cầu các ban ngành và địa phương tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6.
Trước đó, hai ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh, Nghệ An. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi các địa phương về việc tập trung phòng chống dịch. Bộ nêu rõ năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con. Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao, đã ghi nhận người mắc và tử vong ở Trung Quốc. Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Lo dịch chồng dịch
PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, thời điểm này chỉnh là mùa cao điểm của các loại virus, vi khuẩn phát triển, khả năng xảy ra dịch chồng dịch là rất lớn. Thời tiết Đông Xuân có nắng ấm lên, độ ẩm cao, virus càng dễ tấn công con người. Đây là thời điểm “nhạy cảm” để bùng phát nhiều loại dịch bệnh dễ lây lan, nên mỗi người phải có ý thức phòng bệnh cho cá nhân mình. Một vài tuần nữa, khi mưa rào xuất hiện, các ổ nước dâng lên, muỗi phát triển nhiều, sẽ lại bùng phát dịch sốt xuất huyết. Đây là các loại dịch bệnh bùng phát có yếu tố môi trường nhiều, nên việc khoanh vùng dập dịch càng quan trọng.
“Từng loại dịch cần phải được bao vây, ổ dịch nào cũng cần được khoanh vùng, xử lý ngay, dứt điểm để tránh tình trạng lây lan khó kiểm soát. Thời điểm này, người dân sống ở các địa phương có dịch cúm A/H5N6 khi có các biểu hiện cúm, sốt, mệt mỏi, cần phải được kiểm tra y tế ngay để cách ly nếu không may nhiễm virus, tránh lây lan ra cộng đồng”, PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết.
Tuy nhiên với dịch cúm A H5N6 không quá đáng lo bởi dù virus cúm gia cầm là một loại virus cúm rất dễ lây lan và có thể lây lan giữa người nhưng có văcxin phòng ngừa, chỉ cần khoanh vùng dịch tốt là có thể kiểm soát được dịch bệnh. Theo TS Phạm Kim Đăng, Viện Chăn nuôi, việc khử trùng, tiêm văcxin cho gia cầm cũng như tiêu hủy gia cầm bị bệnh là việc làm cần thiết. Việt Nam hiện có nhiều kinh nghiệm xử lý dịch này nhưng vẫn cần làm quyết liệt, tránh để dịch chồng dịch, gây ra gánh nặng khó giải quyết cho ngành y tế.