Xét nghiệm trong "vùng đỏ": Có lấy mẫu tại nhà được không?

(khoahocdoisong.vn) - Đã xuất hiện ý kiến nghi ngờ của người dân về tập trung trong khu dân cư để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là nguyên nhân lây nhiễm khiến dịch kéo dài. Vậy thực tế ra sao?

Dân sợ lấy mẫu xét nghiệm tập trung

Theo thông tin tìm hiểu từ tổ 24, khu phố 4, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho thấy, người dân tại đây đã lấy mẫu kháng nguyên Covid-19 (Test nhanh) đến 6 lần và lần nào cũng có F0 được phát hiện với số lượng lớn.

Do đó, người dân nghi ngờ phương án lấy mẫu Covid-19 tập trung này là thiếu an toàn, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Ngày 19/9, người dân một lần nữa được yêu cầu tập trung xuống chân chung cư để test nhanh Covid-19. Ở lần lấy mẫu này (lần thứ 6), cơ quan y tế đã phát hiện 16 F0 và đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Điều người dân nghi vấn là tại sao người dân không ra khỏi nhà (vì địa phương đang “Khóa chặt - Đông cứng” "vùng đỏ"), nhưng mỗi lần test nhanh vẫn phát hiện nhiều ca F0? Phải chăng công tác lấy mẫu chưa an toàn?

Cũng theo người dân, trong 6 lần lấy mẫu đều thực hiện test nhanh. Đây là công việc không khó, nhưng cơ quan y tế không tổ chức đến tận nhà lấy mẫu để hạn chế người dân tập trung. Mà vẫn tập trung người dân xuống nơi lấy mẫu và test, trong khi địa phương đang là “vùng đỏ”?

Ngày 20/9, phóng viên KH&ĐS đã liên lạc với TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương (theo số điện thoại 0918.597.354) để tìm hiểu rõ hơn vấn đề người dân phản ánh, nhưng TS.BS Nguyễn Hồng Chương không nghe máy.

Trước đó, trả lời báo chí về tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng trên địa bàn tỉnh, TS.BS Nguyễn Hồng Chương cho biết, qua đánh giá chung cho thấy, số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương ghi nhận cao là do tính đặc thù về nơi ở, sinh hoạt của người dân khác với địa phương lân cận.

Cụ thể, hầu hết ca mắc tập trung ở các khu nhà trọ, nơi tập trung đông người. Người ở một khu trọ nhưng lại làm việc ở rất nhiều công ty, xí nghiệp. Do đó, khi một người trở thành F0, đến khi có triệu chứng thì những người khác cũng trở thành F0. Đặc thù các khu trọ công nhân đều cũ, sinh hoạt trong môi trường hẹp nên dễ lây chéo.

anh-minh-hoa.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu kháng nguyên Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Chương, một nguyên nhân khác khiến số ca ghi nhận tăng cao những ngày qua do địa phương đang “khóa chặt” các “vùng đỏ” và tiến hành xét nghiệm thần tốc. Các trường hợp ở khu vực được khoanh vùng đều thuộc nguy cơ cao và khi xét nghiệm cho ra kết quả dương tính nhiều như nhận định ban đầu của ngành y tế.

Với phương châm "tách càng nhanh càng tốt" F0 ra khỏi cộng đồng, Bình Dương đã tập trung triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng bằng test nhanh và PCR trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đợt 1, địa phương này đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.292.846 người, phát hiện 12.667 người dương tính (tỷ lệ 0,98%) và trong đợt 2, đợt 3 lấy mẫu test nhanh và PCR cho 2.615.597 người, có 65.504 trường hợp dương tính.

Theo ông Chương, số lượng F0 những tuần qua tăng cao ở 11 phường “đông cứng, khóa chặt” của TP Thuận An và thị xã Tân Uyên. Tỷ lệ F0 ở các phường này chiếm từ 3 - 6% dân số của phường. Tuy nhiên, ông Chương cho rằng, việc tăng F0 ở các phường này không đáng ngại do đang thực hiện "khóa chặt, đông cứng" và xét nghiệm nhiều lần để sàng lọc hết các F0.

“Số ca tử vong trong thời gian qua hầu hết đều ở tầng 3 tháp điều trị, nơi bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Bình Dương đang làm tốt ở các tầng, nhờ đó tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở mức thấp”, TS.BS Nguyễn Hồng Chương nói.

Phương án đúng, nhưng nên hoàn thiện thêm

Theo tìm hiểu của KH&ĐS, không riêng tại Thuận An của Bình Dương, mà trên các diễn đàn cư dân không ít chung cư tại TPHCM cũng đã xuất hiện ý kiến phản đối, thậm chí muốn từ chối thực hiện hình thức lấy mẫu test nhanh tập trung đang áp dụng.

Điều này có thể xem là phản hồi tự nhiên của người dân, khi số các ca tử vong, ca F0 phát hiện mới dù có xu hướng đi ngang và giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao, trong khi tình hình dịch đã kéo dài. Do đó, đặt ra vấn đề cần hoàn thiện, có thêm phương án cách ly, xét nghiệm hiệu quả hơn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 15/9, Bộ Y tế đã có công diện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Nội dung công điện có đoạn, trong thời gian qua, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch nhất là vấn đề xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

nguoi-dan-to-24-khu-pho-4-phuong-an-phu-tp-thuan-an-tinh-binh-duong-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-lan-6..jpg
1-nguoi-dan-to-24-khu-pho-4-phuong-an-phu-tp-thuan-an-tinh-binh-duong-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-lan-6..jpg
Người dân tổ 24, khu phố 4, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lần 6.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc các công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và tập trung một số nội dung, cụ thể: Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Theo Bộ Y tế, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).

Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5 - 7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn. Đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Công điện của Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân…

Theo Đời sống
back to top