Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3575 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, xét báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Thủ tướng giao Bộ này chủ trì chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch đối với COVID-19. Bộ Y tế trình hồ sơ này để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng đồng ý việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Y tế tại báo cáo số 626 nêu trên và giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đang được kiểm soát. Ảnh minh họa. - Ảnh: internet. |
Bộ Y tế chuẩn bị nội dung, chương trình, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức họp Ban Chỉ đạo quốc gia vào ngày 27/5/2023 để công bố kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025, ban hành theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Trước đó, ngày 5/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng tiếp tục cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.
Đại diện WHO đã có 7 khuyến nghị với công tác phòng dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Thứ nhất: Không bao giờ được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Các nước cần duy trì năng lực và những thành tựu đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19. Với Việt Nam, WHO khuyến nghị, hệ thống phòng, ngừa dịch bệnh luôn sẵn sàng ứng phó khi diễn biến dịch có thay đổi.
Thứ hai: Đưa tiêm phòng COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia hay tiêm chủng suốt đời.
Thứ ba: Cần tiếp tục tăng cường tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi các bệnh lý hô hấp, báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới nào.
Thứ tư: Việt Nam cần luôn chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có.
Thứ năm: Tiếp tục truyền thông, luôn huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống Covid-19.
Thứ sáu: Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững Covid-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.
Thứ bảy: Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vaccine và hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19 hơn.