Xây dựng khu bảo tồn cho voọc đen gáy trắng

(khoahocdoisong.vn) - Voọc đen gáy trắng là một trong những loài linh trưởng nguy cấp cần ưu tiên bảo tồn, được xếp hàng cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và xếp mức nguy cấp trong sách Đỏ thế giới.

Ngày 15/1, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Tuyên Hóa tổ chức buổi Báo cáo hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn quần thể voọc đen gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa.

Voọc hiếm giá 80.000đ/con

Tại Việt Nam, voọc đen gáy trắng là loài đặc hữu của khu vực miền Trung, xuất hiện và chỉ phân bố giới hạn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Theo nhóm khảo sát của PGS.TS Đồng Thanh Hải (Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội) và Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện, voọc xuất hiện nhiều ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình với 21 đàn, 156 cá thể đã được phát hiện.

Là loài được nguy cấp cần bảo tồn, tuy nhiên voọc đen gáy trắng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của người dân và cơ quan chính quyền.

Ngoài suy giảm số lượng cá thể voọc đen gáy trắng do bị săn bắt, các đàn voọc đen gáy trắng còn phải chịu sự suy thoái sinh cảnh như lấn chiếm rừng để trồng keo, cỏ voi, chăn thả gia súc, khai thác đá và khai thác lâm sản ngoài gỗ.

Nguy hiểm hơn, các khu vực người dân lấn chiếm thường là các cây bụi và dây leo làm thức ăn chính cho voọc.

TS Lê Công Lương, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì Hội thảo.

TS Lê Công Lương, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Việc khai thác đá cũng là một trong những nguyên nhân làm phá vỡ sinh cảnh của voọc một cách nhanh nhất. Tuy đã rút giấy phép nhưng sinh cảnh đã bị phá vỡ khó có thể phục hồi.

Đặc biệt là việc khai thác lâm sản khác ngoài gỗ như săn bắt các loại thú rừng, lấy mật ong… làm thay đổi và suy thoái môi trường của voọc, có thể tác động đến tập tính sinh hoạt của voọc. Thậm chí nhiều người dân vẫn săn bắt voọc đen gáy trắng vì nhầm tưởng đó là các loài khỉ khác và đi bán với giá… 80.000đ/con.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Đội trưởng Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện, kể từ khi phát hiện voọc đen gáy trắng từ tháng 6/2012, nhóm đã vận động người dân từ bỏ việc săn bắt, chuyển sang bảo vệ loài voọc quý hiếm này.

Đến nay, ý thức của người dân về bảo vệ bào tổn loài voọc đã được nâng cao, đến nay đã không còn săn bắt hoặc đặt bẫy loài voọc này.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Đội trưởng Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Đội trưởng Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện.

Tuy nhiên, đến nay 15 cá nhân trong đội vẫn là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, hoạt động chủ yếu dựa vào tự nguyện của thành viên, không hề có sự hỗ trợ từ cơ quan chính quyền, thiếu một danh phận xứng đáng.

Đây là một hạn chế đối với Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện trong quá trình bảo vệ voọc. Ví dụ như không đủ thẩm quyền để cấm việc săn bắt voọc, mà chỉ phát hiện và báo cơ quan chức năng nên thiếu hiệu quả trong ngăn chặn tình trạng này.

Voọc đen gáy trắng khác với voọc đen má trắng: Sọc má trắng từ góc mép qua phía vành tai ra hai bên gáy (voọc đen má trắng thì sọc má trắng chỉ đến vành tai). Những khác biệt khác bao gồm các vòng xắn trên đầu và hình dạng của các đỉnh. Rìa mép nối các sọc trắng.

Voọc đen gáy trắng có bộ lông dày, sợi lông dày, mềm và đen. Đầu có mào lông đen, đuôi dài hơn, thân thon đều (không bông dạng củ cà rốt như voọc mông trắng), rậm lông, màu đen và có mảng da trắng chỗ háng. Các con non có trắng ở trán, mào vàng cam.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ

Theo ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, sau khi Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện của ông Nguyễn Thanh Tú phát hiện các cá thể voọc sinh sống trên địa bàn, địa phương cũng đã có nhiều biện pháp để bảo tồn loài voọc như phối hợp với đội để tuyên truyền người dân không săn bắt voọc; đề xuất với UBND tỉnh chuyển đổi các khu vực rừng sang rừng đặc dụng,…

Ghi nhận cống hiến của Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho biết, những cá nhân trong đội bảo vệ cần phải được có những sự động viên kịp thời như bằng khen của các cấp chính quyền như UBND tỉnh, UBND huyện, và có thể đề xuất lên Bộ TN&MT… Cũng cần kiến nghị chính quyền cấp kinh phí cho đội hoạt động. 

PGS.TS Đồng Thanh Hải, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội.

PGS.TS Đồng Thanh Hải, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội.

Nhìn nhận việc bảo tồn và phát triển voọc đen gáy trắng ở tầm vĩ mô, theo ông Trần Hữu Vị (Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học nước Việt Xanh - Green Việt), đề nghị có thể nghiên cứu và thành lập khu bảo tồn voọc đen gáy trắng.

Theo ông Vị, kinh nghiệm từ bảo vệ voọc chà vá chân xám tại Quảng Nam, Quảng Bình cũng nên xây dựng một đề án bảo tồn voọc đen gáy trắng để có thể chính thức hóa nhiều hoạt động bảo vệ đàn voọc. Cụ thể như đưa Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện vào đề án, để có một danh phận. Sử dụng dịch vụ chi trả môi trường rừng cũng như ngân sách của tỉnh để cấp cho đội hoạt động.

Ngoài ra, có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường sống của loài voọc đen gáy trắng như xây dựng hành lang sinh cảnh. Đồng thời, nâng nâng cao sinh kế của người dân để tránh việc chăn thả gia súc, cắt cỏ; xây dựng du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu về loài voọc...

PGS.TS Đồng Thanh Hải cũng cho rằng, việc quan sát và chụp ảnh loài voọc đen gáy trắng tương đối dễ dàng nên có thể xây dựng các tuyến và điểm du lịch xem voọc… Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét theo tập tính của voọc, tránh trường hợp việc voọc tiếp xúc với người quá nhiều khiến tâm lý voọc bị ảnh hưởng, dẫn đến các vụ việc như khỉ tấn công người ở Cát Bà…

Ông Đặng Minh Hùng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, hiện việc du lịch tham quan voọc đã được triển khai thí điểm.

Về Đội Bảo vệ Voọc tự nguyện của ông Nguyễn Thanh Tú, ông Hùng cho rằng, nên hỗ trợ và thúc đẩy phát triển và có thể cho trực thuộc Cục Kiểm lâm tỉnh.

Ông Hùng cũng hy vọng các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục có các công tác nghiên cứu, đặc biệt về tài chính để bảo vệ đàn voọc. Về phía tỉnh sẽ nhanh chóng có các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển voọc đen gáy trắng.

Theo Đời sống
back to top