WHO kêu gọi các nước khẩn cấp phục hồi và đầu tư vào tiêm chủng

(khoahocdoisong.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa công bố, 23 triệu trẻ em trên thế giới đã bị bỏ lỡ các mũi tiêm chủng cơ bản thông qua các dịch vụ tiêm chủng thông thường trong năm 2020. Điều này khiến trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa được như sởi, bại liệt hay viêm màng não.

Do khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế và tiếp cận tiêm chủng bị hạn chế, 3,5 triệu trẻ em bỏ lỡ liều văcxin bạch hầu, uốn ván và ho gà đầu tiên (DTP-1) trong khi thêm 3 triệu trẻ em bỏ lỡ liều văcxin sởi đầu tiên. Trên toàn cầu, chỉ có 13% trẻ em gái được tiêm văcxin HPV, giảm so với mức 15% vào năm 2019. Việc tiêm văcxin chống lại virus gây u nhú ở người (HPV) với tỷ lệ thấp sẽ khiến nhiều bé gái không được bảo vệ chống lại bệnh ung thư cổ tử cung sau này.

Dữ liệu cho thấy các quốc gia có thu nhập trung bình hiện chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong số trẻ em không được bảo vệ - tức là trẻ em đã bỏ lỡ ít nhất một số liều văcxin. Ấn Độ đang có mức sụt giảm đặc biệt lớn, với tỷ lệ bao phủ DTP-3 giảm từ 91% xuống 85%. Khu vực châu Mỹ chỉ 82% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ văcxin DTP, giảm so với mức 91% của năm 2016. Ngay cả trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng trẻ em trên toàn cầu chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi và bại liệt đã chững lại trong vài năm ở mức khoảng 86%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 95% được WHO khuyến nghị.

Cũng theo báo cáo, có tới 17 triệu trẻ em trong số này có khả năng không được tiêm một loại văcxin nào trong năm, làm gia tăng sự bất bình đẳng vốn đã rất lớn trong việc tiếp cận văcxin. Sự gián đoạn trong các dịch vụ tiêm chủng đã xảy ra phổ biến vào năm 2020, trong đó các Khu vực Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải bị ảnh hưởng nhiều nhất.

TS Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi, Liên minh Văcxin cho biết: Đây là những con số đáng báo động. Sức khỏe và hạnh phúc trong tương lai của hàng triệu trẻ em và cộng đồng của chúng trên toàn cầu phụ thuộc vào tiêm chủng. Bệnh sởi có nguy cơ bùng phát nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ.

TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết, nhiều đợt bùng phát dịch bệnh khác có thể xảy ra nếu không tiêm chủng cho trẻ em sẽ là thảm họa đối với các cộng đồng và hệ thống y tế đang phải chống chọi với Covid-19. Do vậy, việc đầu tư vào tiêm chủng cho trẻ em và đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận là cấp thiết hơn bao giờ hết.

UNICEF, WHO và các đối tác như Gavi, Liên minh Văcxin kêu gọi các nước cần phục hồi khẩn cấp và đầu tư vào tiêm chủng thông thường. Khôi phục các dịch vụ và chiến dịch tiêm chủng để các quốc gia có thể cung cấp các chương trình tiêm chủng thường quy một cách an toàn trong đại dịch Covid-19.  Chỉnh sửa những lỗ hổng trong phạm vi tiêm chủng, bao gồm xác định cộng đồng và những người đã bị bỏ sót trong đại dịch. Đảm bảo rằng việc cung cấp văcxin Covid-19 được lập kế hoạch và tài trợ độc lập và nó diễn ra song song, không phải trả phí cho các dịch vụ tiêm chủng cho trẻ em.

Theo Theo báo cáo của WHO
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top