Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Environment International hôm 3/9. Đây là đánh giá toàn diện nhất từ trước đến nay về điện thoại di động và ung thư não, theo The Guardian.
Báo cáo đánh giá này được các chuyên gia của WHO tổng hợp từ 63 nghiên cứu khoa học được thực hiện từ năm 1994 đến 2022, với sự đóng góp của 11 nhà nghiên cứu từ 10 quốc gia.
Các nghiên cứu tập trung vào tác động của năng lượng tần số vô tuyến đến cơ thể con người và nguy cơ các tác động này gây ra ung thư não.
WHO công bố mối liên hệ giữa điện thoại di động và ung thư não. Ảnh minh họa |
Họ kết luận rằng, việc sử dụng điện thoại di động đã tăng vọt trong 20 năm qua. Tuy nhiên, không có sự gia tăng tương ứng về số ca mắc ung thư não hoặc bất kỳ loại ung thư đầu và cổ nào khác - ngay cả ở những người sử dụng điện thoại di động nhiều nhất trong thời gian dài hơn 10 năm.
Nghiên cứu cũng xem xét việc tiếp xúc với sóng vô tuyến từ các tháp điện thoại di động và nghề nghiệp mà mọi người phải chịu nhiều bức xạ tần số vô tuyến hơn tại nơi làm việc. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào với ung thư.
Mark Elwood, Giáo sư về Dịch tễ học ung thư tại Đại học Auckland, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Tần số vô tuyến (RF) đề cập đến năng lượng điện từ ở bước sóng từ 300 Hz đến 300 GHz, tức là tần số thấp hơn và năng lượng thấp hơn ánh sáng khả kiến. RF được sử dụng cho điện thoại di động, radio và TV. Nó cũng được sử dụng trong màn hình theo dõi trẻ em, kết nối Wi-Fi, radar và nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y tế".
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian sử dụng điện thoại di động riêng ở Mỹ là bốn giờ 37 phút mỗi ngày. Các dữ liệu khác cho thấy, khoảng 3/4 dân số thế giới đang sử dụng các thiết bị này.
Với mức sử dụng điện thoại di động lớn như vậy, số ca ung thư não có khả năng tăng đột biến đáng kể, nếu bức xạ là chất gây ung thư, nhưng thực tế không phải vậy. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết, tỷ lệ ung thư não vẫn ít nhiều ổn định kể từ năm 1982.