Vụ thầu ngoại khiếu nại tại gói thầu môi trường hơn 300 triệu USD: TPHCM vần làm rõ lý do thay đổi tư vấn

(khoahocdoisong.vn) - Bộ KHĐT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của liên danh Samsung - Kolon - TSK và liên danh Suez - Posco liên quan đến chọn nhà thầu gói thầu XL-02 (thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thuộc dự án vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2). Theo đó, Bộ KH-ĐT yêu cầu UBND TPHCM làm rõ lý do thay đổi đơn vị tư vấn.

Đề nghị giải thích rõ về quan điểm của WB

Đối với kiến nghị của liên danh Suez - Posco về việc nhà thầu trúng thầu không đạt yêu cầu về công nghệ, Bộ KHĐT cho biết do gói thầu này thực hiện theo hướng dẫn đấu thầu mua sắm hàng hóa, công trình và dịch vụ phi tư vấn của Ngân hàng thế giới (WB) nên đề nghị UBND TPHCM giải thích rõ về quan điểm của WB với vấn đề này để bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng và quyền lợi hợp pháp của nhà thầu.

Đối với kiến nghị của liên danh Samsung - Kolon - TSK về việc xung đột lợi ích giữa liên danh này với đơn vị tư vấn, Bộ KHĐT cho hay xung đột lợi ích này xuất phát từ sự thay đổi tư vấn đấu thầu của chủ đầu tư (từ Công ty tư vấn CEEM sang Công ty Nippon Koei) sau thời điểm liên danh nói trên đã nộp hồ sơ dự thầu.

Do thay đổi không xuất phát từ phía nhà thầu tham dự và xảy ra khi nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu nên để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, đề nghị UBND TPHCM làm rõ lý do thay đổi đơn vị tư vấn đấu thầu, tác động của việc thay đổi trên đến các nhà thầu tham dự, dẫn chiếu quy định nhà tài trợ về việc này. Đồng thời UBND TPHCM đưa ra giải pháp xử lý triệt để, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu cũng như tuân thủ quy định pháp luật và quy định của nhà tài trợ.

Theo Bộ KHĐT, luật Đấu thầu (điều 3 khoản 3) quy định đối với việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và nhà tài trợ thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đó. Do đó, việc lựa chọn nhà thầu đối với dự án vệ sinh môi trường TPHCM nêu trên được thực hiện theo quy định của WB.

Tuy nhiên công văn của Bộ KHĐT cũng cho hay theo quy định đấu thầu của Việt Nam, khi hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thiết kế và xây dựng (cung cấp và lắp đặt thiết bị) một nhà máy xử lý nước thải sinh học, công suất tối thiểu 240.000m3/ngày, kinh nghiệm vận hành hoàn thành ít nhất đủ 3 năm thì hợp đồng tương tự do nhà thầu cung cấp trong hồ sơ dự thầu có giá trị nhỏ hơn hơn 240.000m3/ngày sẽ được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Cần giải quyết triệt để các kiến nghị của nhà thầu

Theo Bộ KHĐT, đây là dự án lớn, quan trọng của TPHCM và sử dụng vốn vay WB. Do đó Bộ KHĐT đề nghị UBND TPHCM khẩn trương xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị của nhà thầu.

Trước đó, ngày 7/10/2019, UBND TPHCM có công văn gửi Thủ tướng liên quan kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02 có giá trị 307 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 278 triệu USD, ngân sách TPHCM hơn 616 tỷ đồng (tương đương 29 triệu USD). Nhà máy sau khi hoàn thành sẽ thu gom, xử lý nước thải trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Khu đô thị mới Thủ Thiêm đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.

Ban đầu, gói thầu này được 7 nhà thầu nước ngoài quan tâm và sau đó có 5 nhà thầu vượt qua vòng sơ tuyển. 3 nhà thầu lọt vào vòng “chung kết” là các liên danh: Samsung - Kolon - TSK (bỏ thầu gần 226 triệu USD); Acciona - Vinci (bỏ thầu hơn 240 triệu USD); Suez - Posco (bỏ thầu hơn 250 triệu USD). Cuối cùng Acciona - Vinci được chọn.

Sau khi công bố kết quả thầu vào ngày 7/3/2019, liên danh Suez - Posco (gọi tắt Suez - Posco) khiếu nại quyết định trúng thầu đã không đánh giá dựa trên các yếu tố kỹ thuật và kinh tế. Suez - Posco cho rằng việc chọn Acciona - Vinci không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu sẽ gây ra hậu quả cho quá trình vận hành nhà máy sau này.

Còn Liên danh Samsung - Kolon -TSK thì khiếu nại giá bỏ thầu mà liên danh này thực hiện thấp hơn Acciona - Vinci 14,7 triệu USD nhưng vẫn bị loại do bị đánh giá “xung đột lợi ích”. Đáng chú ý, khiếu nại đề nghị làm rõ tại sao dự án nhà máy có công suất xử lý 480.000m3/ngày mà lại giao cho nhà thầu chứng minh năng lực kinh nghiệm xây dựng nhà máy có công suất 28.000m3/ngày, tức nhỏ hơn 17 lần so với yêu cầu của dự án. Văn bản của Sở KHĐT TPHCM gửi UBND TPHCM cũng cho rằng kiếu nại này là “có cơ sở”.

Sau khi nhận được công văn của UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ KHĐT và Bộ Tư pháp có ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Liên quan đến vụ việc, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết việc triển khai dự án vẫn đang chờ ý kiến của Thủ tướng. Tuy nhiên UBND TPHCM và WB vẫn bảo lưu quan điểm chọn nhà thầu Acciona - Vinci. Theo ông Hoan, Suez - Posco không làm việc cùng UBND TP và WB để giải quyết vấn đề mà khiếu nại vượt cấp nhiều nơi là điều không nên. Trước đó sau khi bị loại, liên danh Samsung - Kolon - TSK cũng đi khiếu nại nhưng nay đã “rút đơn” sau khi làm việc với WB ở Mỹ.

Trả lời báo chí, đại diện Suez - Posco cho hay cách đây chừng 4 tháng, liên danh này có làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM nhưng cuộc làm việc này không đáp ứng được mong muốn của liên danh. Đại diện Suez - Posco khẳng định nếu được mời sẽ sẵn sàng gặp lãnh đạo UBND TPHCM để làm rõ vấn đề liên quan.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top