Hàng trăm xe máy bị thiêu rụi dưới tầng hầm chung cư Carina sau vụ cháy
Tối 26/3, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu Công an TP HCM, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự. Nguyên nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza, nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8 (TP HCM) ban đầu được xác định do sự cố xuất phát từ 1 chiếc xe gắn máy, loại trừ nguyên nhân cố ý.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là chủ phương tiện phát nổ dẫn đến cháy lớn có bị xử lý? Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những trao đổi với PV.
Theo Luật sư Thơm, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe máy thường do chập điện, va chạm mạnh, nổ bình xăng và sự cố do kỹ thuật khác. Có 2 yếu tố để xảy ra một vụ cháy xe là rò xăng và tia lửa (có thể là tia lửa do điện, tĩnh điện, tàn lửa hay ma sát tạo ra…) để châm ngòi cho vụ cháy. Ngoài ra yếu tố hiển nhiên nữa là oxy trong không khí (bộ phận bị cháy phải là bộ phận hở, tiếp xúc với không khí).
Thời gian qua đã có một số xe máy bị cháy với nhiều nguyên nhân khác nhau. Xe cháy được, chắc chắn nhiên liệu hoặc hơi nhiên liệu phải tiếp xúc trực tiếp được với lửa hoặc tia lửa. Theo một số chuyên gia đánh giá, xe để trong nhà, không nổ máy thì nguy cơ bị cháy vẫn rất cao. Bởi vì, xăng vẫn thăng hoa bình thường. Thậm chí nồng độ xăng xung quanh xe còn rất đậm đặc vì ít gió lưu thông.Trong nhân dân có 1001 cơ hội có tia lửa xuất hiện.
Ví dụ: Ắc quy trong xe vẫn hoạt động cho đèn an ninh, tia lửa từ công tắc đèn điện của nhà xe… Nếu được bảo vệ nghiêm ngặt tất cả các nguồn lửa khách quan thì xe vẫn có khả năng tự bốc cháy. Lý do là vì hơi xăng đậm đặc tới một mức nào đó sẽ làm chập mạch nguồn điện của xe và phát ra tia lửa, (xăng hỗn hợp này có tính dẫn điện).
Nếu có căn cứ xác định, phương tiện xe máy tự bốc cháy rồi lan sang các phương tiện khác gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản thì có thể được xem là rủi ro khách quan và khó có thể quy trách nhiệm chủ phương tiện. Bởi lẽ việc xe máy tự cháy nổ có rất nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau.
Về câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm khi hệ thống PCCC không hoạt động, Luật sư Thơm cho rằng, thông thường để vận hành nhà chung cư, chủ đầu tư thường đứng ra tổ chức bộ máy hoạt động như thành lập Ban quản lý, tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm trong quản lý tòa nhà. Ban quản lý được thành lập ra có quyền kiểm soát, sửa chữa, vận hành các khu vực công cộng và các tiện ích chung của tòa nhà.
Công tác bảo trì thường xuyên là công tác quan trọng nhất. Bởi vì có bảo trì thường xuyên thì mới có thể phát hiện ra những dấu hiệu có nguy cơ mất an toàn cho toàn nhà và từ đó có kế hoạch ngăn ngừa rủi ro. Không chỉ bảo trì những hệ thống kỹ thuật như máy phát điện, thang máy, máy lạnh, máy bơm PCCC… mà bao gồm cả các hạng mục khác như cây trồng, cảnh quan tòa nhà, cấp thoát nước, hệ thống thông gió…
Thực tế đã chứng minh ở một số cao ốc không có bảo trì thường xuyên nên khi mưa đã gây ngập úng do hệ thống máy bơm thoát nước không hoạt động. Từ đó gây ngập tầng hầm làm hư hỏng xe, thang máy, trạm điện, máy phát điện và nhiều hệ thống kỹ thuật khác tại tầng hầm của tòa nhà…
Như vậy, sự cố cháy xe máy dưới tầng hầm mà thiết bị PCCC không hoạt động để ngăn ngừa hậu quả thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý vận hành chung cư và chủ đầu tư. Theo quy định tại Điều 313 BLHS 2015 “Tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy” thì người nào vi phạm quy định về PCCC có thể bị phạt tù cao nhất đến 12 năm.
Theo thông tin từ báo chí thì PCCC quận 8 (TP HCM) có khẳng định, 1 năm kiểm tra 2 lần về công tác PCCC của chung cư trên. Tuy nhiên, theo người dân, họ không nghe thấy tiếng chuông mà người dân tự động báo nhau. Đây thực sự là vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm của ai, sai đến đâu.
Như vậy, có thể thấy chung cư Carina đã được cấp giấy phép đủ điều kiện về PCCC và đã được thanh tra, kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, thực tế khi cháy nổ xảy ra thì hệ thống PCCC lại không hoạt động nên đã gây ra hậu quả thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Do đó, cần phải xem xét việc cấp giấy phép PCCC cũng như quá trình kiểm tra định kỳ đã thực hiện đúng quy định hay chưa. Nếu có sai phạm trong việc thanh tra, kiểm tra PCCC sẽ phải trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bảo Khánh (tổng hợp)