Nỗ lực của ngành bảo hiểm
Ngày 16/11/2020, BHXH Việt Nam đã đưa ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” vào hoạt động. Theo BHXH, ứng dụng này là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.
VssID - Bảo hiểm xã hội số là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ người dân của ngành BHXH Việt Nam. Ứng dụng VssID hiện cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tra cứu các thông tin như mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7...
Ngoài ra, ứng dụng này còn giúp người sử dụng thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người sử dụng lao động dành cho mình. Điều này sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp.
Người dùng VssID chỉ cần xác minh danh tính một lần duy nhất. Sau khi nộp tờ khai điện tử đăng ký tài khoản VssID, người dùng vẫn cần đến cơ quan BHXH gần nhất, mang theo giấy tờ tuỳ thân (CMTND/Hộ chiếu) để hoàn tất quá trình đăng ký. Tại cơ quan BHXH, người dùng sẽ nhận được tài khoản, mật khẩu đăng nhập và được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Kể từ khi ra mắt, BHXH đã liên tục nâng cấp ứng dụng VssID để có thể cung cấp cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất. Cụ thể như việc tích hợp thêm tính năng hỗ trợ tra cứu, quét mã QR thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), thẻ căn cước công dân (CCCD) để tự động điền các thông tin về: mã số BHXH, họ tên, số CCCD, địa chỉ… thay cho việc nhập bằng tay trong phần khai thông tin đăng ký tài khoản... hay tính năng lựa chọn gửi email tờ khai.
Đặc biệt là bổ sung 1 dịch vụ công trực tuyến là “Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin” dành cho cá nhân, cho phép hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình "Sử dụng thẻ BHYT" để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của ngành trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam với Bộ Y tế trong việc thống nhất sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc, trong thời gian tới…
Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số là yếu tố tất yếu. Việc chuyển đổi số BHXH rất thuận tiện cho người sử dụng. Tính đến hết ngày 16/5/2021 toàn quốc đã có hơn 6,44 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với hơn 5,6 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt.
Những vấn đề cần khắc phục
Mặc dù đã nỗ lực cung cấp những dịch vụ số tốt nhất cho khách hàng, nhưng ứng dụng VssID vẫn còn nhiều khuyết điểm khiến người dùng gặp khó khi đăng ký.
Đơn cử như việc đăng ký tài khoản, nhiều ý kiến cho biết sau khi điền các thông tin, nhưng không thấy hệ thống trả mật khẩu của ứng dụng. Tùy trường hợp, có thể phải đợi vài ngày, cũng có trường hợp phải liên hệ lên tổng đài mới được xử lý.
Thậm chí, trong quá trình khai báo hồ sơ trên hệ thống, chỉ sai vị trí của từng dấu chấm, dấu phẩy hệ thống cũng không nhận diện, mà phải nhờ đến sự hỗ trợ từ tổng đài.
Chị Ng., một người dùng BHXH ở Hà Nội bức xúc, do yêu cầu của cơ quan, chị buộc phải tải ứng dụng VssID. Nhưng khi khai báo, chị khai đi khai lại hàng chục lần vẫn không được. Sau khi nhờ tổng đài, mới biết do chữ Thúy trong tên chị bị nhầm dấu sắc ở chữ u và chữ y mà hệ thống không nhận diện.
Hay việc đăng ký số điện thoại mà không cần mã OTP. Phản ánh của anh Đ.T.T. ở Hà Nội cho biết, số điện thoại của mình đã bị một người ở tận Hà Tĩnh đăng ký, nên anh phải gọi mấy lượt vào đó để đổi lại, cũng mất mấy ngày.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nhiều tính năng của ứng dụng VssID còn thua cả những ứng dụng bán hàng online.
Ông Đào Thanh Tùng, chuyên gia Chuyển đổi số và theo dõi “Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam” (Vietnam ICT Index) cho biết, bên cạnh những nỗ lực đáng biểu dương, chuyển đổi số của BHXH còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Như trường hợp anh Đ.T.T. ở trên, việc không kiểm soát thông tin qua mã OTP rất dễ dẫn đến rò rỉ dữ liệu. Hơn nữa, việc có năm sinh và tên là có thể tra được số BHXH cũng là một hướng tấn công dễ dàng của đội ngũ hacker.
Ông Đào Thanh Tùng cho biết thêm, cơ sở dữ liệu của BHXH là có vấn đề, chưa thật sự đồng bộ. Bằng chứng là có trường hợp tra thông tin bảo hiểm qua app VssID, thể hiện 19 năm đóng bảo hiểm, nhưng vẫn thiếu của giai đoạn 4 năm.
"Hạ tầng CNTT của BHXH Việt Nam dường như vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm", ông Tùng nói.