Tại hội thảo Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi: Nghiên cứu dọc và vai trò cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng vừa được tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, cán bộ chương trình UNFPA cho biết, dân số toàn cầu đang già hóa, dân số trên 65 tuổi tăng nhanh nhất trong tất cả các nhóm dân số. Năm 2019, cứ 11 người thì có 1 người trên 65 tuổi (chiếm 9%). Năm 2050, cứ 6 người thì có 1 người trên 65 tuổi (chiếm 16%). Năm 2018, lần đầu tiên số người trên 65 tuổi vượt số trẻ em dưới 5 tuổi. Số người trên 80 tuổi dự báo tăng gấp 3, từ 143 triệu người năm 2019 lên 426 triệu người năm 2050.
Đối với châu Á, người ta ước tính đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm hơn 1/5 tổng dân số châu Á, 70% người cao tuổi có ít nhất 2 bệnh. Trung bình mỗi người cao tuổi có 2,7 bệnh.
Riêng Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, điều này đã đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam trong việc thích ứng với già hóa dân số, trong đó có bao gồm việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Kinh nhiệm các nước cho thấy, một trong những hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiệu quả là cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời, nhấn mạnh vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc phòng ngừa. Nên phối hợp chăm sóc y tế và chăm sóc phi y tế, nhấn mạnh vào chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng.