Việt Nam còn tiến chậm trong vấn đề số hóa

(khoahocdoisong.vn) - Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam luôn tận dụng rất tốt khủng hoảng để đẩy nhanh cải cách, tiến nhanh hơn và phát triển tốt hơn. Dịch bệnh cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh số hóa, dù còn nhiều thách thức.

Trong báo cáo mới đây của WB, Việt Nam được công nhận là một trong những nền kinh tế mới nổi thành công nhất, bên cạnh các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan.

Theo ông Jacques Morisset, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019 nhanh thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Việt Nam tạo ra rất nhiều việc làm và sản phẩm, phát triển cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, khi các công ty và tập đoàn lớn dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Ông Morisset nhận định “Việt Nam có sức đề kháng và thích ứng rất tốt. Vì vậy, khủng hoảng chính là cơ hội để Việt Nam bứt phá, tiếp cận nhiều vốn FDI hơn”.

Về số hóa, ông Morisset cho rằng Việt Nam còn chậm trong việc phát triển nền kinh tế số. Thói quen dùng tiền mặt, không thích hoặc không biết thanh toán qua điện thoại của người dân là cản trở lớn. Ngoài ra, hầu hết các thủ tục của cơ quan Nhà nước, chính phủ vẫn chỉ thực hiện trên giấy tờ.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh sẽ thúc đẩy và cải cách số hóa nhiều hơn ở Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cải cách đối với công cuộc số hóa. Trong đó, Chính phủ và nhiều cơ quan, ban ngành đã xây dựng Cổng thông tin điện tử. Chính phủ Việt Nam cũng đang từng bước số hóa hệ thống tài chính, hướng tới việc thanh toán điện tử trên toàn dân.

Đại dịch cũng đã chứng minh ý nghĩa của việc chia sẻ thông tin. Ông Morisset cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ rất nhiều thông tin chi tiết về Covid-19 một cách minh bạch và hiệu quả, thông qua các phương tiện truyền thông.

Ngoại trừ Đà Nẵng đang tập trung chống dịch bệnh, các thành phố lớn khác của Việt Nam vẫn duy trì hoạt động bình thường, cho thấy Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn để đầu tư.

Ông Morisset đề nghị Việt Nam cân bằng giữa việc mở và đóng cửa biên giới trong bối cảnh đại dịch bùng phát, đồng thời tìm cách thu hút các nhà đầu tư giỏi tạo việc làm, cung cấp công nghệ, đào tạo lao động Việt Nam và làm việc với các nhà cung cấp lớn.

Theo chuyên gia này, thương mại điện tử và số hóa ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong và sau cuộc khủng hoảng.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top