Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển tại khu vực ASEAN với gần 90% dân số (khoảng 84 triệu người) được hỗ trợ bởi bảo hiểm. Với những thành công đáng ghi nhận trong công tác kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực phát triển y tế và từng bước hướng đến những mục tiêu xa hơn, điển hình là đạt tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về Mục tiêu phát triển Chương trình Bao phủ sức khỏe toàn dân (UHC) vào năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo đã chỉ ra Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức y tế. Có thể kể đến như tốc độ già hóa dân số, gánh nặng chi trả cho các dịch vụ y tế đối với tài chính hộ gia đình cũng như tổng chi tiêu y tế quốc gia, sự tăng trưởng của các bệnh lý không lây nhiễm gây ra bởi lối sống…
Tự chăm sóc sức khỏe là mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả tại nhiều quốc gia. Việc chủ động phòng ngừa và kiểm soát những vấn đề y tế cơ bản đã đem đến nhiều lợi ích đa phương đối với Bệnh nhân - Chính phủ - ngành Y tế. Bên cạnh đó, báo cáo còn chứng minh những lợi ích kinh tế xã hội khi Tự chăm sóc sức khỏe được triển khai tại Việt Nam. Lấy ví dụ, Việt Nam có thể tiết kiệm được từ 0,37 - 0,61 tỷ đô la Mỹ cho chi phí điều trị, gia tăng sản lượng của nền kinh tế lên đến 4,2 tỷ đô la Mỹ. Nếu mở rộng phép tính ra đến năm 2025, hiệu quả kinh tế ước tính tăng lên 6 tỷ đô la Mỹ. Việc triển khai Tự chăm sóc sức khỏe cũng đồng thời tương thích với những mục tiêu và phát kiến được triển khai trong chương trình “Sức Khỏe Việt Nam”.