Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong công khai ngân sách OBI 2021

Chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng 9 bậc so với 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ.
chi-so.jpg
Kết quả khảo sát OBS 2021 ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong tiến trình ngân sách.

Khảo sát OBS 2021 là khảo sát lần thứ 8, có 120 quốc gia tham gia thực hiện khảo sát, tăng 3 quốc gia so với OBS 2019. Trong số 117 quốc gia tham gia khảo sát trong cả 2 kỳ đánh giá 2019 và 2021, điểm trung bình toàn cầu về minh bạch tăng 1 điểm, điểm trung bình toàn cầu về giám sát giảm 1 điểm và điểm trung bình toàn cầu về sự tham gia không thay đổi. 

Kết quả khảo sát OBS 2021 ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam trong tiến trình ngân sách: Điểm xếp hạng của Việt Nam trong khảo sát OBS 2021 ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng 6 điểm so với OBS 2019.

Điểm xếp hạng mức độ minh bạch ngân sách (OBI) của Việt Nam năm 2021 đạt 44/100 điểm, tiệm cận với xếp hạng trung bình thế giới là 45/100 điểm, tăng 6 điểm so với OBI 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia tham gia khảo sát OBS 2021, tăng 9 bậc so với OBI 2019. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng OBI 2021 của Việt Nam cao hơn Campuchia và Myanmar.  

Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai theo như yêu cầu của khảo sát OBS. Báo cáo ngân sách giữa kỳ (6 tháng) là tài liệu ngân sách duy nhất chưa được công khai. Bộ Tài chính Việt Nam đã công khai Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng. Tuy nhiên, nội dung của báo cáo chưa đáp ứng các yêu cầu theo thông lệ tốt của quốc tế để có thể được coi là báo cáo ngân sách giữa kỳ.

Các tài liệu ngân sách của Việt Nam trong khảo sát OBS 2021 đã được công khai đầy đủ hơn so với khảo sát OBS 2019. Điểm về mức độ đầy đủ của các tài liệu ngân sách đều tăng so với năm 2019.

Báo cáo ngân sách công dân và Báo cáo ngân sách hàng năm (cuối kỳ) là hai tài liệu cải thiện nhiều nhất về nội dung công khai so với năm 2019. Với số điểm tăng tương ứng là 17 và 12 điểm.

Điểm xếp hạng về sự tham gia của công chúng đạt 17/100 điểm, tăng 6 điểm so với khảo sát OBS 2019. Điều này cho thấy vẫn mức độ sẵn có của các thông tin ngân sách được công khai còn hạn chế ở Việt Nam và công chúng còn ít tham gia vào quy trình ngân sách.  So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng về sự tham gia trong khảo sát OBS 2021 của Việt Nam cao hơn Thailand, Đông Timor Campuchia và Myanmar. 

Điểm xếp hạng về giám sát ngân sách đạt 80/100 điểm, trong đó giám sát của Quốc hội đạt 75/100 điểm và giám sát của Kiểm toán nhà nước đạt 89/100 điểm. Điểm trung bình toàn cầu về giám sát ngân sách đạt 52/100 điểm. 

Nhận định về chỉ số OBI 2021 của Việt Nam, bà Ngô Minh Hương, Giám đốc CDI cho biết: “Công khai minh bạch ngân sách nhà nước là phương pháp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách của Chính phủ. Các tài liệu quan trọng về ngân sách đã được công khai rộng rãi hơn và đầy đủ hơn qua hai kỳ đánh giá OBS vừa qua.

Tuy nhiên công khai thôi chưa đủ, cần có cơ chế thường xuyên, chính thức để người dân tham gia trong quá trình ngân sách. Như vậy, việc tham vấn về ngân sách được thực hiện bởi Chính phủ và cơ quan Quốc hội là cần thiết như là một hình thức tham gia trong quá trình xây dựng ngân sách.

Ngoài ra, cơ quan Quốc hội còn có thể thực hiện giải trình về ngân sách trước Quốc hội hoặc các hình thức đóng góp ý kiến trực tiếp và gián tiếp có sự tham gia ý kiến của cá nhân, tổ chức. Nhiều vấn đề người dân quan tâm và rất quan trọng để người dân hiểu và tham gia đóng góp ý kiến cho Chính phủ, bao gồm các vấn đề thu – chi ngân sách, chính sách thuế, bội chi, nợ công, các chính sách và chi cho đảm bảo xã hội, môi trường, ngân sách và sự đảm bảo về chất lượng ý tế, giáo dục v.v.”

Bà Suad Hasan, đại diện tổ chức IBP cho biết: “Đại dịch đã không làm mất đi những thành quả đã đạt được trong các hoạt động lập ngân sách minh bạch và có trách nhiệm trên toàn thế giới. Hầu hết các quốc gia có thể duy trì, và trong một số trường hợp khác còn có thể kế thừa những kết quả đã đạt được trước đó trong quy trình ngân sách hàng năm của họ. Mặc dù khảo sát không tìm hiểu lý do tại sao thực tiễn các quốc gia có sự cải thiện hoặc thụt lùi, nhưng chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi và khả năng duy trì ổn định của việc công khai ngân sách có thể đạt được dựa trên hai yếu tố: tăng cường số hóa thông tin và thể chế hóa các thực hành trách nhiệm giải trình.”

ngan-sach.jpg
Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019.

Khảo sát công khai ngân sách (OBS) là khảo sát duy nhất đánh giá độc lập dựa trên bằng chứng, xếp hạng các quốc gia theo các tiêu chí về khả năng tiếp cận thông tin ngân sách nhà nước của công chúng; cơ hội chính thức cho công chúng tham gia vào quy trình ngân sách; và vai trò của các cơ quan giám sát ngân sách như cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán trong quy trình ngân sách.

Khảo sát OBS được xây dựng trên các tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức Kiểm toán Quốc tế (INTOSAI) và các tiêu chuẩn về sự tham gia của tổ chức Sáng kiến toàn cầu về Minh bạch tài khoá (GIFT) nhằm hướng tới xây dựng các hệ thống ngân sách minh bạch, có sự tham gia và có tính giải trình tốt hơn với công chúng.  

Tại Việt Nam, Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện đánh giá xếp hạng OBI 2012, OBI 2015, OBI 2017, OBI 2019 và OBI 2021.  

Theo Đời sống
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top