Ảnh minh họa.
Có thể mù trong vài ngày
Dây thần kinh thị giác cũng ví như dây điện, chuyển hình ảnh bên ngoài vào não. Viêm dây thần kinh thị giác còn được gọi là viêm thị thần kinh. Viêm thị thần kinh là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác (có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ, tại một điểm nào đó hay toàn bộ chiều dài của dây thần kinh). Bệnh thường xảy ra ở 1 bên mắt, nhưng cũng có khi biểu hiện ở cả 2 bên. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng tuỳ thuộc vào sự tồn tại độc lập của bệnh hay kết hợp cùng những bệnh khác.
Viêm dây thần kinh thị giác hay gặp từ đối tượng thanh niên đến trung niên (từ 20 – 45 tuổi), tuổi trung bình khởi phát là khoảng 30 tuổi. Người ngoài 45 tuổi hay trẻ em cũng có thể mắc bệnh này nhưng với tỷ lệ ít hơn. Phụ nữ mắc viêm dây thần kinh thị giác nhiều gấp đôi nam giới.
Biểu hiện người bệnh thấy thị lực giảm sút nhanh hay rất nhanh (trong hình thái cấp tính), hoặc từ vài ba ngày tới vài tuần (đối với hình thái mạn tính). Có thể mù hẳn. Sự nhận biết màu sắc của người bệnh bị rối loạn, thậm chí có trường hợp không còn phân biệt được màu sắc thị giác. Phản xạ ánh sáng giảm. Đồng tử không đồng đều giữa hai mắt. Bên mắt bị bệnh có đồng tử co kém và chậm hơn khi có kích thích ánh sáng. Có thể xảy ra vào tháng thứ 3 sau lần bị bệnh đầu tiên.
Mù mà không tìm được nguyên nhân
Triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác là bệnh nhân không nhìn thấy gì cả, sau khi khám bệnh cũng không tìm được nguyên nhân. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm thị thần kinh các chuyên gia nhãn khoa thường xếp theo 3 nhóm theo vị trí là: tại chỗ, lân cận và toàn thân.
-Tại chỗ: mọi viêm nhiễm trong nhãn cầu đều có thể gây ra viêm gai thị (có thể xuất phát từ các bệnh lý ở mắt như: viêm màng bồ đào, viêm giác mạc, viêm võng mạc do virus cự bào trong bệnh AIDS, viêm nội nhãn).
-Lân cận: Các ổ nhiễm trùng lân cận thị thần kinh như viêm tai, viêm mũi-xoang, viêm họng, viêm amidan, sâu răng… có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh.
-Toàn thân: Các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân cấp và mạn tính cũng có khả năng dẫn đến viêm thị thần kinh. Cụ thể như: Các loại virus đậu mùa, cúm, thấp khớp, bạch hầu, sốt phát ban, quai bị; Nhiễm nấm: Nấm Candidat albicans thường gây viên hắc võng mạc kết hợp với viêm gai thị, hay gặp ở người nghiện heroine, suy giảm miễn dịch. Một số loại nấm khác cũng gây viêm thị thần kinh là cryptoccose, aspergillose, histoplasmose…; Các nhiễm khuẩn của hệ thần kinh: viêm não, viêm màng não; Các vi khuẩn như lao, giang mai, rickettsiose; Những hội chứng màng bồ đào-màng não như bệnh Vogt-Koyanagi-Harada, nhẫn viêm đồng cảm, bệnh Behcet; Các bệnh dị ứng: sau tiêm huyết thanh chống bạch hầu, uốn ván, dị ứng thực phẩm, phù Quincke…; Nguyên nhân khác: ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc, thiếu vitamin nhóm B, thiếu máu thị thần kinh, chấn thương…
Do đó, khi bị bệnh, bệnh nhân cần được khám bệnh toàn diện và điều trị theo các chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm, dị ứng và mắt. Cần lưu ý, đây là bệnh mắt nặng cần được khám phát hiện bệnh cùng nguyên nhân gây bệnh sớm, điều trị tích cực mới có khả năng phục hồi chức năng thị giác, tránh tái phát cùng các biến chứng và di chứng nặng nề.
BS Nguyễn Cảnh
(Bệnh viện Mắt TƯ)