Viêm da bì mủ thường xuất hiện ở lòng bàn tay
Trong những điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, vệ sinh kém, ngứa gãi, sây xát da… tạp khuẩn trên da tăng sinh, tăng độc tố gây nên bệnh ngoài da gọi chung là viêm da mủ. Người ta thường phân thành viêm bì mủ do tụ cầu và viêm bì mủ liên cầu, nhưng ít khi hai loại cầu khuẩn đó hoạt động riêng rẽ mà phần nhiều cùng phối hợp gây bệnh.
Viêm bì mủ do tụ cầu thường gây tổn thương viêm nang lông, biểu hiện bằng những mụn mủ ăn khớp với lỗ chân lông, rải rác hoặc thành cụm ở bất cứ vùng da nào trừ lòng bàn tay, bàn chân.
Có một số thể bệnh hay gặp gồm: Viêm nang lông nông là tình trạng viêm nông ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau thành mụn mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm. Vài ngày sau mụn mủ khô, để lại một vẩy tiết nâu sẫm tròn. Sau cùng vẩy bong không để lại sẹo.
Vị trí thường gặp ở đầu, trán, gáy, cằm, lưng. Ở mi mắt gọi là chắp. Ở da đầu trẻ em thường để lại sẹo nhỏ, trụi tóc lấm tấm. Điều trị dùng thuốc bôi, một trong các loại sau: chấm cồn iốt 1 – 3%,hoặc dung dịch xanh methylen 1%. Bôi mỡ chloroxid 1%, kem silver, mỡ bactroban, mỡ fucidin.
Viêm nang lông sâu, do tụ cầu vàng có độc tố cao. Ban đầu chỉ là mụn mủ quanh lỗ chân lông, nhưng nhiễm khuẩn ngày càng sâu làm cho tổ chức quanh nang lông nhiễm cộm. Viêm lan rộng và sâu hơn thành nhiều mụn mủ rải rác hoặc cụm lại thành đám đỏ, cứng cộm gồ gề nặn ra mủ.
Viêm nang lông sâu ở vùng cằm, mép, gáy, ria tóc, đầu gọi là Sycosis, tiến triển dai dẳng hay tái phát. Điều trị: Tại chỗ bằng dung dịch sát khuẩn, thuốc màu (cồn iốt 1 – 3% xanh methylen 1%), mỡ kháng sinh penixilin, Chloroxid 1%, oxyd vàng thủy ngân 10%, mỡ bactroban, mỡ fucidin. Nếu nặng cho uống từng đợt kháng sinh chung.
Điều trị viêm bì mủ không những chỉ điều trị chứng nhiễm khuẩn tại chỗ ngoài da, mà còn phải chú ý nâng cao sức đề kháng, thay đổi phản ứng của cơ thể, nhất là đối với viêm bì mủ mạn tính, tái phát dai dẳng.
BS Lê Hoàng Tú (Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông, Hà Nội)