Việc xét xử thời phong kiến – kỳ 3: Quy định đảm bảo xét xử công bằng

Quy định đảm bảo xét xử công bằng được quy định rất rõ trong

Hình minh họa.

Không được vượt thẩm quyền

Đây có thể nói là sự cụ thể hóa những vấn đề xét xử mà cho đến ngày nay, hậu thế còn phải nghiên cứu, học tập nhiều…

Về thẩm quyền xử sơ thẩm, việc phân cấp được quy định khá rõ ràng là, việc rất nhỏ, đến kiện ở xã quan; việc nhỏ đến kiện ở lộ quan; việc trung bình đến kiện ở quan phủ; các quan kể trên phải xét xử cho công bằng, đúng pháp luật; còn việc lớn thì phải đến Kinh.

Tương tự, thẩm quyền xử phúc thẩm được quy định, nếu xã quan xử đoán không hợp lẽ thì kêu đến quan huyện; quan huyện xử đoán không hợp lẽ thì mới đến Kinh tâu bày.

Đối với người tiến hành tố tụng, phải thực hiện đúng thẩm quyền, các quan xử án, việc phải tâu lên mà không tâu, việc phải đợi trả lời mà không đợi, lại tự tiện phân xử ngay, thì xử biếm.

Không được vượt thẩm quyền song hành, chỉ được xét xử trong phạm vi truy tố, các quan xét án, phải theo tờ cáo trạng mà xét hỏi, nếu ra ngoài tờ cáo trạng, tìm việc khác để buộc tội người, thì xử là cố ý bắt tội người.

Không được thiên vị, do tư lợi, nhận hối lộ của đương sự, tù nhân hay do nể kẻ quyền thế, các ngục quan xét án, thấy việc có liên can đến quan chức hay nhà quyền thế, nhưng chiếu luật đáng xử tội, mà che chở, không khép vào tội thì sẽ xử tội như kẻ phạm tội kia mà cho giảm hai bậc quan. 

Hạn chế việc nhận hối lộ

Để hạn chế việc nhận hối lộ, luật cấm giải quyết việc ở nhà riêng: ngục quan và ngục lại dung túng cho những người kiện tụng đi lại nhà riêng mình để xúi bảo, nếu nhân vì việc ấy mà ăn hối lộ, thì phải khép vào tội làm trái luật tuỳ theo việc nặng nhẹ mà định tội.

Các loại nhũng lạm lặt vặt cũng được lường trước, như cấm vòi vĩnh “đòi tiền dầu đèn và tiền bút giấy quá số quy định”.

Điều tra, xét xử phải thận trọng, không được tuỳ tiện, độc đoán, phải theo sát luật định, ngày quyết tụng, quan đại thần và các quan xét án đều phải hội đồng lại, xét hỏi kĩ càng cho rõ sự phải trái, cốt để mọi người đều yên lòng.

Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải theo, bày ra lí này lí khác để có người mắc oan. Luật này cũng không cho phép những quan phụ thẩm lúc đông đủ mọi người không hết bổn phận tranh biện về sau lại có câu nghị luận khác.

Hình quan định tội danh, chiểu trong luật đã có chính điều lại tự ý thêm bớt bậy, hay viện dẫn điều khác, để tuỳ xử nặng nhẹ, thì bị xử nặng hơn tội thêm bớt tội người một bậc. Người xét xử cũng phải tránh chịu sự chi phối của cảm xúc cá nhân vui mừng, giận dữ.

Bảo đảm quyền hồi tị để tránh việc vì mối quan hệ cá nhân mà thiên lệch đến tính khách quan, những người đi kiện hay bị kiện xin tránh ngục quan, thì giao cho các quan Viện Thẩm hình hội đồng xét hỏi; nếu xét sự lí đáng cho tránh ngục quan ấy, mới được phép giao sang ti khác xét xử. Nếu bản ti vì tình ý riêng mà cố giữ việc để xét, thì xử phạt hay biếm; ngục lại cũng bị tội như thế.

(còn nữa) 

                                                         Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top