Vì sao tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng bị hủy tới 73%?

Kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố cho thấy, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất rất cao, có hãng lên tới 73%.

Đối với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam, Bộ Tài chính thông báo, năm 2021, công ty này triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB).

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt 2.038 tỷ đồng; doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 1.907 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248 tỷ đồng và qua TPB đạt 789,484 tỷ đồng.

Năm 2021, Sunlife phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (4,05%). Đáng chú ý, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPB là 73%, còn qua ACB là 39%.

Tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, năm 2021, công ty này triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Năm 2021, công ty bảo hiểm này có doanh thu phí bảo hiểm bán qua BIDV đạt 1.553 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt trên 452,6 tỷ đồng. Năm 2021, công ty này phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.

Tương tự, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam), năm 2021, Prudential bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng gồm VIB, MSB, Seabank, Vietbank, Pvcombank… Doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng năm 2021 của Prudential đạt hơn 6.184 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 3.700 tỷ đồng. Năm 2021, công ty phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

Còn lại, tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, doanh nghiệp này bán bảo hiểm chủ yếu qua Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (hay Công ty tài chính M.Credit).

Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của MB Ageas đạt 4.466 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 2.820 tỷ đồng, tương đương 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.

Cùng đó, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tuy nhiên trong đó có 3.946 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc. Sau năm đầu tiên, có 32,4% hợp đồng bảo hiểm mới qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng bị huỷ.

Theo Đời sống
Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố việc ông Hồ Doãn Cường và ông Hà Văn Trung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10 và 10/10/2024. Các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực trong vòng 4 năm.
back to top