Vì sao đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp dệt may Nghệ An vẫn đau đầu?

Phần lớn doanh nghiệp (DN) dệt may ở Nghệ An đều "kín" đơn hàng hết năm nay nhưng lại đối diện nguy cơ thiếu lao động, tăng chi phí logistics.
     

Thiếu lao động, phải tăng ca

Ngành dệt may ở Nghệ An trong 6 tháng đầu năm khởi sắc khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 139 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, nhiều DN dệt may trong tỉnh đã có đơn hàng tận cuối năm, thậm chí sang cả năm sau.

                       
Nghệ An: Doanh nghiệp dệt may vẫn “đau đầu” dù đơn hàng nhiều
Sản xuất hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An

"Do hầu hết đơn hàng của các DN dệt may ở địa phương đều ký từ đầu năm, và chủ yếu gia công hàng xuất khẩu nên nguồn cung ứng nguyên liệu được vận chuyển về đúng hạn, dù làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình sản xuất. Một số DN dệt may trên địa bàn chỉ khó cục bộ như thiếu lao động khi nhà máy nằm ở vùng bị phong toả do dịch, còn lại các DN ngoài vùng vẫn duy trì tiến độ sản xuất, chỉ khó khăn nhất đối với các DN hiện nay là các chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao" - Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết.

Từ đầu năm đến nay, các dây chuyền của Công ty CP Tập đoàn An Hưng, ở xã Công Thành (huyện Yên Thành) đều chạy hết công suất để kịp trả hàng đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký. Kết quả kinh doanh khả quan dù Covid-19 phần nào ảnh hưởng tới thị trường toàn ngành nói chung.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty An Hưng - cho biết, nhà máy có quy mô 6.000 công nhân nhưng đến hiện tại mới tuyển được 1.600 công nhân. Do đặc thù của các nhà máy dệt may cần nhiều lao động nên không thể tuyển được một lần mà phải chia làm nhiều giai đoạn. Từ nay cho đến cuối năm nhu cầu tuyển dụng của nhà máy còn nhiều, nhưng dự đoán cũng khó để tuyển đủ vì các tháng gần cuối năm công nhân đã ổn định sản xuất ở các nhà máy khác. Việc trước mắt của nhà máy là chạy hết công suất, công nhân tăng thêm ca và cơ cấu lại kíp làm việc nhằm tăng năng suất lao động... để kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì trễ hẹn.

"Mối bận tâm giờ không phải là tìm kiếm đơn hàng, mà là làm sao có đủ công nhân để sản xuất kịp, giao hàng đúng hẹn cho đối tác", ông Dũng nói.

Cùng chung cảnh ngộ thiếu lao động, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Minh Anh - Nghệ An cho biết, DN hiện có hơn 3.020 công nhân lao động, nhưng lại có đến 2.000 công nhân ở ngoài khu vực thành phố, khi TP. Vinh thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 thì DN chỉ bố trí ở tại chỗ được 300 công nhân số còn lại đưa đón và trên 500 lao động phải nghỉ tạm thời nên gây thiếu hụt lao động cục bộ. Dẫn đến nguy cơ sản xuất không kịp đơn hàng.

"Nhìn chung thị trường có chiều hướng tốt lên, DN cũng không phải lo về đơn hàng như những năm trước, nhưng nếu làm không kịp thì DN gánh thiệt hại kép, cả về hiệu quả sản xuất cũng như doanh thu. Doanh nghiệp dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công" - Ông Vĩnh chia sẻ thêm.

Thiếu lao động là mối lo thường trực của hầu hết các doanh nghiệp dệt may. Chưa kể, năm nay các DN dệt may bị tác động bởi dịch bệnh, sự chuyển dịch về cơ cấu lao động, kèm theo đó là chi phí nhân công ngày càng tăng. Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện tỉnh này có hơn 20 dự án may đã đi vào hoạt động, thu hút được hơn 25.000 lao động ở nông thôn. Ngoài ra, hơn 10 dự án khác cũng đang tiến hành đầu tư mới hoặc mở rộng công suất. Do vậy, so với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng mảng dệt may đã tăng khoảng 30-50%. Nhưng cũng có nhiều đánh giá cho rằng dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động nông thôn bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, khiến nhiều lao động không mặn mà.

Giá cước vận chuyển container tăng mức cao kỷ lục

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 mang lại cho không chỉ ngành dệt may mà đó là tình trạng chung của các DN tham gia xuất khẩu trong cả giai đoạn này. Chi phí lưu thông tăng cao khiến cho các DN phải lao đao.

                       
Vì sao đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp dệt may Nghệ An vẫn đau đầu?
Container rỗng đã thiếu lại kéo theo cước phí tăng vọt, khiến nhiều DN dệt may xuất khẩu khó khăn

Theo các DN tham gia xuất khẩu dệt may, trước dịch cước mỗi container hàng hóa vận chuyển từ cảng Hải Phòng đến châu Âu có giá khoảng 1.500 USD thì hiện đang ở mức 7.000 - 8.000 USD/container; từ Hải Phòng đi Mỹ trước dịch chưa tới 1.000 USD/container thì nay đã vượt 10.000 USD. Bên cạnh giá vận chuyển quá cao và rất khó để đặt chỗ trên tàu, thì cũng không có container rỗng để thuê, các hãng liên tục trì hoãn. Hiện nay DN phải xuất hàng sang Ai Cập nhưng không có container, tương tự container nhập nguyên liệu từ Singapore về cũng đang mắc.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, vì thiếu container, giá thuê container tăng cao nhưng cũng không có để thuê, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất, nhập hàng hóa. Hiện nay, công ty còn khoảng 100 container hàng xuất qua Mỹ chỉ vì không thuê được container rỗng để xuất hàng, nên phải thuê bãi để lưu giữ hàng, kéo theo đó là chi phí đội lên gấp nhiều lần. Cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các hãng tàu để thúc đẩy giá cước phù hợp, hạ hoặc cắt giảm các khoản phí tại cảng lớn như ở Hải Phòng, hay TP. Hồ Chí Minh…

Cùng chung khó khăn, đại diện Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cũng cho biết, mỗi tháng DN cần khoảng 40 container đi - về nhưng hiện nay không có để thuê. Từ cuối năm ngoái, mức giá vận chuyển đã tăng lũy kế, và đến thời điểm này thì nay giá cước vận chuyển container đường biển trên một số tuyến tiếp tục tăng ở mức kỷ lục.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành logistics, những đợt bùng phát dịch bệnh gần đây đã khiến giá cước vận chuyển tiếp tục tăng lên những mốc mới. Đại dịch covid-19 khiến việc qua lại tại nhiều khu vực bị hạn chế, thời gian vận chuyển dài hơn khiến lưu lượng container về cảng thiếu hụt, dẫn đến giá cước vận chuyển đường biển tăng vọt. Vào tháng trước, giá cước vận chuyển một container hàng hóa kích thước 40 feet bằng đường biển từ Việt Nam đến châu Âu, Mỹ lên mức 10.000 đôla đã khiến DN lao đao và phải tìm cách thích ứng. Hiện tại, các hãng tàu lại tiếp tục vịn vào lý do thiếu container rỗng dẫn đến việc vận chuyển gặp khó để tiếp tục nâng cước phí lên mức 10.500 đôla/container loại 40 feet.

Đại diện một đơn vị vận tải biển tại Nghệ An giải thích việc giá cước, thuê container neo ở mức cao chủ yếu do ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn nặng, hàng từ Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng hàng nhập vào vẫn ít khiến các hãng tàu phải chở container rỗng về, buộc tăng cước để bù vào.

Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An cũng chia sẻ, từ nay đến cuối năm, dù các DN dệt may không phải chật vật tìm kiếm đơn hàng, nhưng trong tình hình bệnh tật diễn biến phức tạp không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Để tăng trưởng bền vững, vượt ‘bão’ Covid-19 các DN dệt may rất cần các chính sách hỗ trợ từ các ngành chức năng. Ngoài giảm, giãn thuế phí, lãi suất ngân hàng… thì các chính sách thu hút đầu tư phải thông thoáng, cần thu hút các DN vào đầu tư chuỗi liên kết dệt may khép kín, tạo năng lực cạnh tranh cho DN địa phương tăng trưởng cả về chất và lượng.

    
Theo congthuong.vn
back to top