Thời lượng pin, có cải thiện nhưng là chưa đủ
Sinh ra không phải để cạnh tranh với máy tính bảng nên điện thoại màn hình gập có thời lượng pin khá “hẻo”. Đơn cử như Samsung Galaxy Z Fold5 chỉ được trang bị viên pin 4.400 mAh nhưng lại phải gánh trên mình màn hình độ phân giải Quad HD+ và con chip Snapdragon 8 Gen 2 mạnh mẽ. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến thời lượng pin cũng như không đáp ứng được thời lượng sử dụng lâu dài.
Trong khi đó, máy tính bảng thường sẽ được trang bị một viên pin có kích thước lớn hơn rất nhiều. Mặc dù có trang bị con chip mạnh mẽ nhưng không quá chú trọng đến chất lượng hiển thị của màn hình như trên điện thoại. Chính vì vậy nên phần nào thời gian sử dụng vẫn sẽ cao hơn rất nhiều so với một chiếc điện thoại màn hình gập.
Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể “chữa cháy” bằng sạc dự phòng hoặc sạc nhanh với tốc độ cao nhưng hãy thừa nhận rằng, không phải lúc nào cũng thuận tiện cho việc sạc pin. Với những yếu tố trên, về dung lượng pin, điện thoại màn hình gập chưa đủ “tuổi” để so với máy tính bảng.
Màn hình to, nhưng chưa đủ "sướng"
Một trong những điểm nhấn làm nên sự khác biệt giữa smartphone gập so với điện thoại thông thường chính là vì màn hình của chúng lớn hơn. Có thể nói, chính mong muốn được "nới" rộng màn hình trên những chiếc smartphone dạng thẳng đã trở thành tiền đề cho việc sáng tạo nên smartphone gập hiện tại. Tuy nhiên, dù có lớn và mang trải nghiệm thoải mái đến mấy thì kích thước của những màn hình này cũng chưa thể so sánh được với máy tính bảng, dù là những chiếc tablet cơ bản.
Đơn cử như Galaxy Z Fold5 có màn hình 7.6 inch, vẫn nhỏ hơn một chút nếu so với màn hình iPad mini 8.3 inch. Đương nhiên, một số người sẽ lựa chọn dòng điện thoại gập này vì nó dễ dàng bỏ vào trong túi. Nhưng nếu để so với mẫu iPad Pro có màn hình 11 hay bản 12.9 inch mà tôi đang dùng đây, nghĩa là gần gấp đôi về kích thước thì mẫu điện thoại gập vẫn chưa thể là đối thủ nếu xét về trải nghiệm hình ảnh, dù có bỏ qua câu chuyện nếp gấp màn hình 'phải có' trên điện thoại gập.
Không những vậy, tỷ lệ khung hình cũng là điểm khiến cho hầu hết các mẫu điện thoại gập chưa thực sự thỏa mãn được tôi. Việc có tỷ lệ gần như vuông, khiến có các ứng dụng (vốn phát triển cho điện thoại chữ nhật) khó có thể tối ưu một cách tốt nhất. Ngay cả các ứng dụng như Facebook, đôi khi vẫn gây khả năng hiển thị không hoàn hảo nếu phải xem video ở dạng dọc hoặc hình ảnh dễ bị bè ra hai bên.
Nếu là người thích xem các nội dung video hay nói chính xác hơn là xem phim, hãy cân nhắc khi lựa chọn điện thoại màn hình gập, bởi chúng không mang lại giá trị tối ưu khi thực tế kích thước hiển thị của nội dung cũng chỉ nhỉnh hơn điện thoại thông thường đôi chút. Diện tích màn hình còn lại là hai dải đen lớn trên dưới khi xem sẽ khá khó chịu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm. Với iPad Pro 12.9 inch mà tôi đang sử dụng, điều này cũng tương tự, nhưng đương nhiên do tỉ lệ khung hình chữ nhật nên dải đen này cũng nhỏ hơn, đồng thời khung hình lớn hơn nên xem cũng tập trung và "sướng" hơn.
Độ bền, vẫn còn là dấu hỏi chấm
Trong những năm vừa qua, mặc dù những mẫu điện thoại gập như Z Fold5 đều được trang bị những nâng cấp cải tiến về độ bền như vật liệu mới cho khung vỏ, kính bảo vệ tốt hơn nhưng câu hỏi về độ bền vẫn là thách thức lớn. Người ta thường chỉ nghĩ đến sự mỏng manh nằm ở bản lề khi thay phiên thử thách và 'khoe' xem chịu được bao nhiêu lần gập, nhưng để có thể thực sự 'xông pha' hàng ngày thì còn cần nhiều yếu tố khác.
Một điểm đáng khen là Z Fold5 cũng đã có thêm kháng bụi, nước, đảm bảo phần nào được yếu tố chịu đựng khắc nghiệt nhưng để có thể an toàn với hàng trăm linh kiện siêu nhỏ bên trong thì chiếc máy vẫn không thể so được với tablet. Thực ra, các mẫu như iPad Pro cũng chưa thể bền bỉ được như điện thoại thường, khi mà kích thước lớn dễ khiến nó bị biến dạng mà cụ thể là cong đi nếu bị tác động từ bên ngoài. Nhưng để nhìn nhận thực tế thì nó vẫn không mỏng manh dễ vỡ như những chiếc điện thoại gập (đặc biệt là màn hình iPad không cần phải gập), vẫn có thể thoải mái để tôi 'quăng quật' mà không cần nhìn trước ngó sau như với Z Fold5.
Trải nghiệm duyệt web vẫn chưa đủ vượt trội
Một trong những lý do mà tôi rất thích khi sử dụng iPad Pro chính là vì nó có trình duyệt web "xịn" giống như trên chiếc Macbook nhưng trong hình hài của một thiết bị di động. Nói rõ hơn, khi bạn lướt vào bất cứ trang web nào trên iPad Pro, nó thường mặc định là giao diện desktop giống như trên các thiết bị chạy MacOS.
Trong khi đó, ở các thiết bị điện thoại màn hình gập, dù mở ra có không gian rộng rãi hơn, nhưng khi truy cập vào một trang web nào đó trên Chrome thì bỗng dưng máy vẫn mặc định là giao diện mobile. Điều này sẽ gây khó chịu đôi chút và tôi phải vào lựa chọn "Mở giao diện máy tính" thì mọi thứ mới theo ý muốn. Tất nhiên, việc ép theo giao diện như vậy cũng khiến cho trải nghiệm lướt không được suôn sẻ cho lắm và trừ khi đang có việc gấp cần xử lý ngay công việc mà trong tay chỉ có mỗi điện thoại màn hình gập, tôi mới đành chấp nhận.
Nếu là Android fan, bạn có thể cân nhắc dòng máy tính bảng Galaxy Tab S9. Chiếc tablet này kết hợp cùng DeX là con đường đúng đắn của Samsung để giúp người dùng có thể tận dụng hết "mã lực" của thiết bị cũng như mang lại cảm giác gần nhất với một chiếc laptop.
Mỗi sản phẩm mỗi thế mạnh riêng
Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng điện thoại màn hình gập vẫn có những ưu và nhước điểm riêng, điều đó cũng tương tự như máy tính bảng. Chúng sinh ra để giải quyết các vấn đề khác nhau và đáp ứng những nhu cầu sử dụng khác nhau đối với khách hàng.
Chẳng hạn như máy tính bảng, sẽ không thể nào có vượt qua được điện thoại màn hình gập bởi tính thuận tiện để di động, không tốn quá nhiều không gian. Nhưng so với thời lượng sử dụng, diện tích hiển thị và mức độ tối ưu hóa tỷ lệ màn hình thì còn thua xa máy tính bảng. Ngược lại, cũng chẳng ai dùng máy tính bảng để chụp những bức ảnh để đời, chất lượng camera của máy tính bảng cũng không thể so bì với điện thoại màn hình gập ngày nay.