Quan sát của phóng viên Khoa học và Đời sống cho thấy, ví điện tử, thẻ điện thoại... đang đóng vai trò trung gian quan trọng trong thanh toán các loại game cờ bạc, cá cược, lô đề trực tuyến nở rộ hiện nay.
Cờ bạc trực tuyến: Momo liên hoàn bị bêu tên!
Trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí mới đây, Bộ Tài chính thông tin về việc Công ty Cổ phần Lộc Đỉnh Cao cung cấp dịch vụ "đặt 1 ăn 70" dựa vào kết quả hai số cuối trong giải đặc biệt xổ số miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số điện toán của Công ty xổ số điện toán Việt Nam. Theo đó, sau khi mua các cặp số, người dùng sẽ thanh toán qua ví điện tử MoMo.
Cùng thời điểm này, Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây đánh bạc online với quy mô lên tới 1.500 tỷ đồng và ví điện tử MoMo lần nữa được gọi tên.
Theo cơ quan điều tra, để được tham gia chơi game bài, người chơi phải nạp tiền để mua “SUM” của SUMVIP, mua “VUA” của VUACLUB (SUM, VUA là đơn vị tiền ảo quy đổi để sử dụng đánh bạc trong game) bằng các phương thức như nạp thẻ viễn thông, thanh toán qua ví điện tử MoMo. “Ông trùm” Nguyễn Minh Thành đã mua hơn 4.700 tài khoản MoMo dùng để nhận tiền và trả thưởng cho các con bạc.
M_Service chủ ví Momo phải chịu trách nhiệm gì?
Bà Nguyễn Huyên Phương, Phụ trách truyền thông MoMo khẳng định: “MoMo là đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và chỉ hợp tác, hỗ trợ thanh toán cho các đối tác hoạt động hợp pháp. Được biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng về việc Bộ Tài Chính thông báo dịch vụ mua hộ vé số vi phạm quy định hoạt động kinh doanh, MoMo đã ngừng hợp đồng và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nêu trên giải trình với cơ quan quản lý”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, các ví điện tử chỉ là đơn vị mua hộ, không phải là đơn vị kinh doanh xổ số. Nếu nói vi phạm quy định kinh doanh xổ số thì đối tượng bị xem xét phải là công ty xổ số, các đại lý xổ số. Nếu có hiện tượng các ví điện tử bị lợi dụng để bán lô đề trá hình thì nên cấm.
Theo luật sư Đức, từ việc ví điện tử tiếp tay đánh bạc trực tuyến, có thể đặt câu hỏi với cơ quan quản lý về việc siết chặt hoạt động của các ví điện tử. Hệ sinh thái của các ví điện tử ngày càng đa dạng, không chỉ có dịch vụ thu hộ, chi hộ, mà còn liên kết với các quỹ ủy thác đầu tư để huy động vốn, liên kết các ngân hàng, công ty tài chính để cho vay…
“Nếu các ví điện tử luôn vin vào cớ chỉ là đơn vị trung gian thanh toán để đẩy mọi trách nhiệm cho đối tác, khi rủi ro xảy ra, người sử dụng ví sẽ phải đơn thương độc mã giải quyết mọi hậu quả phát sinh”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Công ty Cổ phần Dịch vụ di Động trực tuyến (M_Service) ra đời năm 2007, chính thức phát hành ví điện tử MoMo vào năm 2010. Cơ cấu đổ đông được tiết lộ gần nhất vào tháng 11/2018, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại M_Service 63,8%. Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào M_Service là các quỹ đầu tư. Vốn điều lệ là 112,2 tỷ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại Fintech này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%.