VDB không đòi được nợ, kiện Xi măng X18 ra tòa

(khoahocdoisong.vn) - Dự án mở rộng nhà máy sản xuất xi măng lò quay X18 của Công ty CP Xi măng X18 (gọi tắt X18) từng được coi là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp này thoát khỏi thua lỗ. Tuy nhiên, lỗ hoàn lỗ. Hàng trăm tỷ đồng vay mượn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), BIDV để đầu tư cho dự án có nguy cơ “bốc hơi”.

Thất vọng “con cưng”

Xi măng X18 tiền thân là doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) quản lý. Trong Bộ Quốc phòng có khá nhiều doanh nghiệp xây lắp, nên nhu cầu về xi măng tại các doanh nghiệp này khá lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng lại rất ít.

Vì vậy, X18 luôn nhận được nhiều ưu tiên từ phía Bộ Quốc phòng về giá cả, chính sách, nguyên vật liệu sản xuất thị trường tiêu thụ so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác.

Được ưu ái như “con cưng” của Bộ, thế nhưng từ năm 2011, kết quả kinh doanh của X18 bắt đầu xuống dốc và càng về sau, mức lỗ càng lớn dần.

Đến năm 2017, Bộ Quốc phòng đã chính thức thoái vốn tại X18, đẩy doanh nghiệp này lún sâu hơn trong “sình lầy” thua lỗ, không thể vượt lên.

Tính tới thời điểm 31/12/2019, con số lỗ luỹ kế của X18 đã lên tới 92 tỷ đồng, ăn mòn hết vốn điều lệ. Mặc dù cộng thêm 9 tỷ đồng từ vốn khác của chủ sở hữu và quỹ đầu tư, vốn chủ sở hữu của X18 vẫn âm 22 tỷ đồng.

Chi phí quá lớn cộng với đầu tư kém hiệu quả khiến X18 rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ nần, lấy nợ ngắn hạn để bù đắp vào tài sản doanh nghiệp. Do đó, nợ ngắn hạn của X18 luôn trong tình trạng vượt quá tài sản ngắn hạn trong các năm qua.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2019 ghi nhận giá trị âm 14 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù tài chính mất cân bằng, khả năng trả nợ trong ngắn hạn gần như không có, nhưng X18 huy động được vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ thêm 20 tỷ đồng trong năm 2019.

Chính vì vậy, Ban Giám đốc X18 khẳng định chưa có bất kỳ dự định cho việc dừng hoạt động trong nhiều năm tới, dù công ty kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của X18.

Đến nay, X18 vẫn chậm công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 do chưa hoàn thành việc kiểm toán.

VDB “xay tiền” trong lò quay xi măng

Sản xuất xi măng là hoạt động cốt lõi, mang lại doanh thu chính cho X18. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất xi măng của X18 lại liên tục suy giảm. 

Do đó, thay vì gia tăng sản xuất xi măng, X18 tập trung nhiều vào đầu tư xây dựng lại nhà máy xi măng, khiến năng suất sản xuất giảm, đồng thời lượng tiêu thụ xi măng tại các nhà phân phối của công ty cũng giảm nhẹ theo từng năm tháng.

X18 đã xây dựng dây chuyền lò quay có công suất 1.000 tấn CLK/ngày, với kinh phí 820 tỷ đồng. Nhà máy xi măng lò quay được xây dựng trên diện tích 10ha, ngay cạnh dây chuyền đang hoạt động tại tỉnh Hoà Bình.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng dư nợ (nợ gốc) của X18 đối với Gói thầu EPC Nhà máy xi măng lò quay này là 289 tỷ đồng, trong đó chủ nợ chính và lớn nhất chính là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Cụ thể, năm 2007, VDB (CN Hòa Bình nay là Sở Giao dịch 1) đầu tư tín dụng cho X18 số tiền 289 tỷ đồng để mở rộng Nhà máy sản xuất xi măng lò quay X18, thời hạn 10 năm, lãi suất 8,4%/năm và thế chấp bằng toàn bộ tài sản hình thành từ tiền vay.

Năm 2013, Nhà máy xi măng lò quay X18 đã đi vào sử dụng, nhưng đến nay công ty vẫn chưa thanh toán trả nợ gốc và lãi cho VDB, mặc dù khoản vay này đã được cơ cấu nợ 2 lần và áp dụng gia hạn thời gian trả nợ gốc 3 lần đến hết quý 4/2022.

Sau khi áp dụng cơ cấu và gia hạn nợ, X18 vẫn không trả được nợ theo cam kết. Ngoài ra, X18 không hề mở tài khoản tiền gửi tại VDB (Sở Giao dịch 1) cũng như chuyển doanh thu tương ứng với tỷ lệ vay vốn của dự án vào tài khoản tiền gửi khách hàng mở tại VDB. Điều này gây khó khăn cho VDB trong việc thu hồi nợ của X18.

Thực tế, cán bộ thẩm định VDB đã tắc trách trong công tác thẩm định hồ sơ đầu tư tín dụng của Dự án, dẫn tới những tồn tại không thể khắc phục được và nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước tại dự án Nhà máy sản xuất xi măng lò quay X18.

Cụ thể, VDB Hoà Bình khi đó đã thẩm định mức nguyên vật liệu và giá mua nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra thiếu cơ sở. Tài liệu thẩm định dự án chưa đầy đủ. VDB chỉ cung cấp bản tính toán in trên giấy, không cung cấp được file mềm làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước kiểm tra việc tính toán.

Tháng 9/2019, VDB đã nộp đơn khởi kiện X18 vi phạm hợp đồng tín dụng tại Toà án Nhân dân huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Toà đã mời các đương sự có liên quan là X18 tiến hành hòa giải nhưng chưa thành.

Đại diện X18 cho biết, tình hình hoạt động của công ty có nhiều khó khăn nên công ty không có khả năng chi trả các khoản nợ này (?).

Hiện tại không chỉ “chây ỳ” trả nợ cho VDB, X18 còn nhiều khoản nợ quá hạn tại BIDV chi nhánh Ninh Bình và khoản tiền vay mượn tại Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng. Trong đó, Cục Tài chính đã cho X18 vay 19 tỷ đồng mà không có Hợp đồng vay cũng như không tính lãi. Số tiền nợ này đúng ra phải được X18 trả dứt điểm trong năm 2017. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2019, khoản nợ này vẫn được nằm im trong sổ sách và khó có khả năng được trả về cơ quan Nhà nước.

Từ năm 2014 đến nay, X18 liên tục bị Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc vốn hoá chi phí lãi vay với giá trị 13,8 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang Dự án mở rộng Nhà máy sản xuất xi măng lò quay X18, làm tăng tài sản cố định. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn đầu tư nhà máy nêu trên là 9,5 tỷ đồng cũng vẫn được X18 hạch toán tăng nguyên giá tài sản cố định.

Lý giải cho việc thực hiện sai quy định tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam trên, X18 cho rằng, công ty chưa hoàn thiện quyết toán dự án hoàn thành (?).

Với sự dễ dãi trong việc thẩm định Hồ sơ Đầu tư tín dụng của cán bộ VDB, Xi măng X18 đã làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước và không có ý định trả lại. Lợi dụng sự thiếu nghiêm minh và chặt chẽ của luật pháp Việt Nam, X18 đã không chịu quyết toán dự án để giấu nợ và khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Theo Đời sống
Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố việc ông Hồ Doãn Cường và ông Hà Văn Trung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10 và 10/10/2024. Các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực trong vòng 4 năm.
back to top