Đây là nội dung trong văn bản phúc đáp công văn của Bộ Tài chính về góp ý “Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/022”.
VCCI đánh giá dự thảo hiện đang đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 là quyết định tích cực.
Nhưng với tình hình hiện nay, thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
Vì hiện giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh xung đột quân sự cũng như các trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Ầu và có xu hướng leo thang.
Hơn nữa, hai năm qua, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, họ cần được thúc đẩy để phục hồi. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thào cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn.
Cụ thể là áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.
Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Hôm qua, 3/3, Bộ Tài chính đã gửi công văn lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít. Như vậy sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng gần 12.000 tỉ.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường như trên còn góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Nhất là trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế này và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như các cam kết quốc tế về môi trường.