Vận tải hành khách công cộng Hà Nội “kêu cứu”

(khoahocdoisong.vn) - Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa khẩn cấp kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trước khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Lượng khách đi xe buýt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lượng khách đi xe buýt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, văn bản của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng nói riêng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sản lượng hành khách sụt giảm, lượt xe giảm, trong khi vẫn phải duy trì nhiều hoạt động.

Trước tình hình này, Hiệp hội đã có văn bản khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Hiệp hội này đề nghị giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng năm 2021; Cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được miễn đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; Miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.

Trước đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng cho biết, do tác động của Covid-19,  quý  I/2021, sản lượng vé lượt chỉ đạt 53% so với đặt hàng, đấu thầu, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng vé tháng ước đạt 87,2% kế hoạch, thị phần bán tem vé tháng xe buýt đạt 63% toàn mạng, bằng năm 2020. Tổng doanh thu xe buýt đạt khoảng 52% và giảm khoảng 68 tỉ đồng so với doanh thu dự kiến đặt hàng và đấu thầu.

Được biết, trước đó, đầu tháng 6/2021, Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về kiến nghị hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Cụ thể, dịch bệnh khiến doanh thu của các đơn vị vận tải hành khách giảm sút. Trong khi đó các khoản chi phí lớn phải trả như lãi suất vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… gần như là cố định vì đến hạn bắt buộc phải thanh toán, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải.

Theo Đời sống
back to top