Dân: Nhiều người muốn tiêm
Chị Hà (Đằng Lâm, Hải Phòng) cho biết, TP Hải Phòng đã tiến hành tiêm văcxin Vero Cell cho người dân. Tuy nhiên, gia đình chị quyết định chưa tiêm đợt này.
Lý do, qua tham khảo ý kiến nhiều người, chị Hà không muốn tiêm loại văcxin của hãng Sinopharm (Trung Quốc) này. “Hải Phòng đang chống dịch tốt, gia đình cũng ý thức cao chống lây nhiễm, nên tôi chờ tới khi được tiêm dịch vụ thì chọn loại văcxin để tiêm cho cả nhà” – chị Hà nói.
Tương tự cũng là ý kiến của anh Phú (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Anh Phú cho biết, do cha mẹ (ở Hải Dương) có bệnh nền, anh chờ được tiêm dịch vụ để chọn loại văcxin ít phản ứng phụ tiêm cho cha mẹ. “Đắt thì cũng chỉ 1 – 2 triệu đồng mỗi liều, chấp nhận được nếu tiêm cho cả gia đình” – anh Phú cho biết.
Bộ Y tế cho biết, với nhiều nỗ lực tổng hợp, trong năm 2021, sẽ có 120 triệu liều văcxin về đến Việt Nam, để tiêm cho khoảng 75% dân số. Hiện Việt Nam đã tiếp nhận trên dưới 33 triệu liều văcxin.
Tâm lý của anh Phú cũng là chung của khá nhiều gia đình cư dân đô thị. Đặc điểm dân cư đô thị là có nhiều thế hệ cùng chung sống, với nhiều thể trạng sức khỏe, bệnh lý (nếu có) khác nhau. Nên các gia đình thu nhập ổn định có xu hướng chọn văcxin để tiêm. Đặc biệt, khi qua tìm hiểu, người dân nhận thấy giá các loại văcxin (quy đổi) không quá sức chịu đựng với thu nhập của gia đình họ.
Nhưng với đông đảo người lao động, nhất là tại các địa phương diễn biến dịch đang căng thẳng, thì cứ có văcxin để tiêm là đã tốt. Theo chị Hạnh (Thuận An, Bình Dương), cứ có văcxin thì loại nào chị cũng sẽ tiêm cho gia đình.
“Nhà tôi dân lao động, chính quyền nói không tiêm không được ra đường, nên loại nào tôi cũng tiêm để còn được đi làm. Chỉ mong giá văcxin không đắt” – chị Hạnh cho biết.
May cho gia đình chị Hạnh, sau 2 tháng phải giãn cách, phong tỏa tại nhà, tiền bạc thực phẩm cạn kiệt phải trông chờ vào cứu trợ của chính quyền và người thân, tới 10/9, gia đình chị đã được tiêm văcxin AstraZeneca mũi 1. Sau 3 ngày cả gia đình 4 người vật vã sốt, đau người phản ứng sau tiêm, chị Hạnh tạm yên tâm chờ tiêm mũi 2.
“Hy vọng hết tháng 9, tiêm xong, lại được đi làm. Như nhà tôi, tới tháng 9 là chỉ có trông vào tiền với thực phẩm cứu trợ để sống. Hết tháng 9, có được đi làm, nhà tôi cũng chưa trông vào đâu để có tiền ăn trong lúc chờ lương về” – chị Hạnh lo lắng. Chị chỉ thấy may mắn khi được tiêm văcxin mà… không mất tiền, “chứ chỉ 200.000đ một mũi thì nhà tôi 4 người cũng không lấy đâu ra tiền để tiêm” – chị nói.
Ngay ở nông thôn, ý kiến người dân cũng khá khác nhau khi bàn tới vấn đề tiêm văcxin dịch vụ. “Chắc đắt lắm” – là ý kiến của không dưới 6 người đã trả lời KH&ĐS khi được hỏi về tiêm văcxin dịch vụ. Nhưng cũng không ít người, đặc biệt là những người làm nghề buôn bán tại nông thôn, lại cho biết sẵn sàng trả tiền để được tiêm dịch vụ, “miễn là sớm được tiêm” – phần lớn những người được hỏi cho biết.
Doanh nghiệp: Quá muộn để tiêm dịch vụ
Tuy nhiên, ở góc nhìn doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp thất vọng với thông tin tiêm văcxin dịch vụ. Một doanh nghiệp tại Bình Dương cho biết, do sợ dịch, đến nay khoảng một nửa số công nhân của công ty đã bỏ việc về quê.
“Từ tháng 5/2021, nhóm doanh nghiệp chúng tôi đã liên kết với nhau xin tự tìm nguồn văcxin hoặc được ưu tiên tiêm văcxin dịch vụ trước để ổn định tâm lý lao động, duy trì sản xuất nhưng không được. Bây giờ lao động không đủ, có tiêm thì cũng không vãn hồi được sản xuất. Nên giờ cho tiêm dịch vụ công ty cũng không tiêm cho công nhân. Chờ tiêm xong toàn dân, nhu cầu việc làm phục hồi thì lại tuyển công nhân vào làm thôi” – đại diện doanh nghiệp này nói.
Cũng doanh nghiệp này cho biết, đối tác nước ngoài đã chuyển hợp đồng gia công đi nơi khác nên giờ doanh nghiệp chỉ trông chờ được bỏ giãn cách để tìm kiếm hợp đồng mới, công nhân mới, qua đó khôi phục sản xuất.
Xác nhận thực tế này, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, sản xuất thực phẩm cỡ lớn cho biết, lực lượng lao động cả hai mảng của doanh nghiệp đã bỏ việc tới một nửa. Đồng thời, việc duy trì sản xuất, bán hàng là cực kỳ căng thẳng. “Mỗi một tỉnh một quy định khác nhau trong phòng chống dịch, do tình trạng dịch mỗi tỉnh khác nhau. Cùng với đó là thủ tục cũng khác nhau tại mỗi tỉnh trong kiểm tra, giám sát hàng hóa vận chuyển liên tỉnh. Chúng tôi bị giảm sản lượng sản xuất, bị hạn chế cả nguồn cung nguyên liệu tới việc đưa hàng đi bán” – đại diện doanh nghiệp này nói.
Dù không trực tiếp xác nhận, nhưng doanh nghiệp này cho biết đã xin cơ chế tự chủ tìm nguồn văcxin tiêm cho lực lượng lao động ngay từ đầu đợt dịch thứ 4 này (tháng 4/2021). Nhưng không được đáp ứng. Phải tới tháng 9/2021, doanh nghiệp mới tiêm được mũi 1 cho toàn bộ lực lượng lao động còn lại. Nhưng để phục hồi lại quy mô như trước sẽ cần từ 6 tháng tới 1 năm. “Giờ công ty không cần tiêm dịch vụ nữa” – một cán bộ doanh nghiệp này cho biết.
Hiện, Việt Nam mới tiêm được mũi 1 cho không quá 30% dân số. Như vậy, về lý thuyết, việc cho phép tiêm văcxin dịch vụ là giải pháp hợp lý để tăng nhanh tỷ lệ, rút ngắn chương trình toàn dân được tiêm văcxin.
Tuy nhiên, thực tế, việc tổ chức cho người dân được quyền lựa chọn tiêm văcxin trong giai đoạn này, có thể đem lại nhiều rủi ro, hơn là đem lại lợi ích. Một bác sĩ tại bệnh viện lớn của Hà Nội cho biết, chị nhận được khá nhiều lời đề nghị tiêm văcxin dịch vụ, nhưng đều phải từ chối vì quy định không cho phép.
“Ngay cả khi cho phép thì cũng không tiến hành được” – bác sĩ này nói. Vì nguồn văcxin hiện khan hiếm, quá nhiều chủng loại, việc cho tiêm dịch vụ giúp người dân lựa chọn chủng loại văcxin để tiêm. Từ đó dẫn tới tâm lý chờ đợi loại văcxin ưng ý.
“Như vậy, cho tiêm dịch vụ khiến người tiêm, người chờ, khó có khả năng đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn kế hoạch tiêm toàn dân. Đồng thời sẽ khiến giá nhiều loại văcxin có nguy cơ bị tăng. Các doanh nghiệp có quyền nhập khẩu văcxin sẽ có nhiều cách để tăng giá, tạo nguy cơ loạn giá văcxin trên thị trường” – bác sĩ này cảnh báo.
Mặt khác, quyền điều tiết văcxin hiện do Nhà nước nắm giữ, Bộ Y tế điều hành việc tiêm. Khi đồng ý cho tiêm dịch vụ thì Nhà nước và Bộ Y tế buộc phải thay đổi cơ chế này và đó là yêu cầu không phải dễ tiến hành. Vì trước tiên phải mở rộng danh sách đầu mối nhập khẩu, thay đổi quy trình phân phối văcxin, ban hành quy trình tiêm văcxin dịch vụ, quy định bảo quản, vận chuyển… Tất cả những yêu cầu đó chắc chắn không thể sớm hoàn thành. Và cũng không đáng để đánh đổi để đối diện với nguy cơ hỗn loạn việc tiêm văcxin.
Nói cách khác, người dân và doanh nghiệp chỉ nên “chờ đến lượt” trong nỗ lực tiêm văcxin mà Chính phủ đang tiến hành. Khi đối tượng tiêm là bảo vệ lực lượng sản xuất, lưu thông không được chú ý ngay từ đầu dịch, thì hiện tại lại không thể, không nên tổ chức tiêm dịch vụ, để làm rối thêm sự rối rắm đã có từ đầu trong chiến lược về văcxin.