Vaccine - lá chắn hiệu quả ngăn ngừa dịch COVID-19

Vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả mà cả thế giới đang hướng tới trong nỗ lực phòng dịch và dập dịch COVID-19. Đặc biệt, vaccine càng trở nên cấp thiết khi đợt dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn những lần trước rất nhiều, bởi những biến thể quái ác của virus.
Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về các vấn đề liên quan đến vaccine. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Trong bối cảnh lượng vaccine nhập về Việt Nam không cùng lúc và không thể ngay lập tức đáp ứng đủ nhu cầu và yêu cầu trong nước, thì với nguồn vaccine có hạn, cần sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Khi nguồn vaccine hạn chế, chúng ta cần có sự phân bổ hợp lý, cần đưa lượng vaccine đó đến những đối tượng cần nhất, đó là lực lượng tuyến đầu bởi đây là lực lượng quan trọng trong phòng, chống dịch. Sau đó sẽ tiếp cận đến vùng đang có dịch, đây là những vùng cần được ưu tiên nhiều hơn để sớm khống chế được dịch. Việc phân bổ vaccine phải căn cứ theo nguy cơ của từng vùng, vùng càng có nguy cơ thì càng cần được ưu tiên phân bổ nhiều hơn và sớm hơn những vùng khác.

Vùng nguy cơ được xếp loại theo màu: xanh, vàng, da cam và đỏ, theo màu thì chúng ta cũng đã có thể cảm nhận được độ nóng của mức độ nguy cơ. Vùng nóng là vùng dịch đã lan rộng trong cộng đồng; vùng ưu tiên là vùng đang có dịch; vùng lân cận vùng có dịch cũng cần được ưu tiên để làm vùng đệm an toàn, giữ cho những vùng khác. Phân bổ vaccine phải dựa trên các nguyên tắc để bảo đảm công bằng, và công bằng không phải là cào bằng mà cần dồn cho những vùng nguy cơ trước đã.

Một số người trong vùng dịch, nhất là ở những điểm nóng lo lắng rằng vaccine chưa được phân bổ nhiều về địa phương và tốc độ tiêm chủng chưa nhanh, có đúng vậy không, thưa ông?

Để bảo đảm tiêm đến đâu an toàn tới đó thì trong một ngày chúng ta chỉ có thể tiêm được một số lượng nhất định. Nếu tiêm nhiều hơn hoặc muốn tiêm thật nhanh sẽ có những vấn đề: đầu tiên là lực lượng y tế để triển khai tiêm sẽ thiếu hụt khi mà lực lượng này đang bị chia ra để làm công tác chống dịch. Thứ hai là người tiêm xong cần được theo dõi để bảo đảm an toàn, phải bố trí hệ thống cấp cứu.

Tiếp theo là các vấn đề liên quan đến phân luồng, tổ chức sao cho không để tập trung đông người dồn cùng lúc. Đó là tiêm an toàn, ngay ở những vùng đang có dịch, muốn tiêm nhanh cũng phải bảo đảm những nguyên tắc này. Nếu bảo đảm những nguyên tắc này và theo hệ thống sắp xếp hiện nay thì tiến độ tiêm vẫn bảo đảm rất nhanh và người dân nên bình tĩnh, không nên lo lắng vì tất cả mọi người sẽ được tiêm.

Vậy theo như tiến độ hiện nay thì theo ông, khi nào chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng?    

Như tốc độ hiện nay, nếu chúng ta huy động toàn bộ lực lượng y tế, từ xã, phường, bệnh viện tư nhân và các lực lượng khác tham gia vào thì 1 ngày có thể đạt tới 3 triệu mũi tiêm, thậm chí là nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu bảo đảm nguồn cung, tức là vaccine nhập về đủ, thì chúng ta chỉ mất vài tháng là đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, điều này là khó khăn bởi chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. Nếu trong thời gian tới, lượng vaccine nhập về đủ, cộng thêm với lượng vaccine từ bên trong, chúng ta có nguồn lực thì sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Thêm một điểm mấu chốt nữa là cần có sự đồng lòng hưởng ứng của người dân trong chiến dịch tiêm chủng.  

Vaccine do Việt Nam sản xuất đang mở ra một nguồn vaccine dồi dào và chủ động, theo ông thì khi nào Việt Nam sẽ tự lo được vaccine cho cả nước?

Hiện tại ở Việt Nam có 2 vaccine sản xuất hoàn toàn trong nước và 2 vaccine chúng ta nhập công nghệ từ nước ngoài để sản xuất tại Việt Nam. Với tiến độ như hiện tại và lộ trình các nhà sản xuất đưa ra, ta sẽ có vaccine trong nước vào khoảng tháng 10 tới, hoặc có thể sớm hơn.

Tuy nhiên để lượng vaccine Việt Nam sản xuất ra đủ đáp ứng cho nhu cầu, tôi nghĩ còn cần có thêm thời gian nữa vì còn liên quan đến công nghệ, nhà xưởng, vấn đề thử nghiệm… phải đạt. Dù muốn nhanh đến mấy chúng ta vẫn phải đảm bảo tính an toàn cho người được tiêm.

Trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng, đã có những điều chỉnh về đối tượng ưu tiên, cả những người cao tuổi và có bệnh nền cũng được đưa vào đối tượng tiêm vaccine, tại sao lại có những điều chỉnh đó? Những đối tượng này có cần được chỉ định loại vaccine phù hợp?

Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn người cao tuổi và có bệnh lý nền, thậm chí cả những người có tiền sử dị ứng vẫn có thể tiêm vaccine chứ không chống chỉ định như trước đây. Bởi nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền là nhóm hết sức nguy cơ. Nếu không may những người này bị nhiễm COVID-19 thì tỷ lệ tử vong rất lớn. Cho nên việc càng sớm càng tốt, nhanh chóng đưa nhóm người này vào đối tượng ưu tiên tiêm chủng là một chủ trương điều chỉnh rất đúng đắn của Bộ Y tế. Còn trẻ em là nhóm đối tượng liên quan rất nhiều đến chuỗi lây truyền dịch bệnh, vì vậy việc sớm có vaccine để tiêm cho trẻ em cũng rất cần thiết.

Vậy còn những người không thuộc diện ưu tiên nhưng rất muốn tiêm vaccine thì sao, vì sao đến nay vẫn chưa có dịch vụ tiêm vaccine?

Chúng tôi rất ủng hộ hình thức tiêm dịch vụ, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại thì lượng vaccine còn rất hạn chế, chưa đủ cho các đối tượng nguy cơ thì chúng ta cần tập trung cho các đối tượng ưu tiên và các vùng điểm nóng về dịch bệnh. Khi các đối tượng cần thiết đã được tiêm đủ, chúng ta mới nên mở rộng ra hình thức tiêm dịch vụ.

Trong giai đoạn chống dịch đang gấp rút như hiện nay, thì những mũi tiêm cần dành cho những người thực sự cần như những chiến sĩ tuyến đầu, những người tham gia lao động ở vị trí thiết yếu, người có công việc buộc phải tiếp xúc nhiều người…

Một số nơi tổ chức tiêm chủng đã có tình trạng tập trung đông người, chờ đợi lâu mới được tiêm, không bảo đảm giãn cách, gây nên những nguy cơ lây lan dịch bệnh, có biện pháp nào để khắc phục, thưa ông ?

Hiện nay, tại tất cả các điểm tiêm, các đơn vị tổ chức tiêm chủng được khuyến khích đưa vào áp dụng công nghệ thông tin và có đặt lịch tiêm. Những người đi tiêm phải đăng ký trên hệ thống, qua đó nhận số thứ tự hẹn khung giờ đến tiêm, trên hệ thống cũng yêu cầu người đi tiêm khai báo các thông tin cá nhân, kể cả về tiền sử bệnh tật nếu có. Nhờ vậy, công tác khám sàng lọc sẽ nhanh gọn hơn.

Ngoài ra, người đến tiêm cũng được bố trí di chuyển theo 1 chiều, tránh tập trung đông người tại 1 khu vực. Việc theo dõi sau tiêm cũng được bố trí hợp lý, bảo đảm có không gian giãn cách.
 
Ông nghĩ sao về việc vẫn còn một số người có tâm lý e ngại, lựa chọn vaccine để tiêm vì cho rằng vaccine này tốt hơn vaccine kia chẳng hạn?

Vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất. Vì vậy không nên trì hoãn việc tiêm vaccine khi đủ điều kiện. Hiện nay, tất cả các loại vaccine được nhập về Việt Nam và được Bộ Y tế cho phép lưu hành đều đã được thẩm định qua rất nhiều tổ chức có thẩm quyền. Những người đã tiêm đủ mũi và đủ thời gian thì không có trường hợp nào bị diễn biến nặng đến mức phải hỗ trợ điều trị, nếu chẳng may nhiễm bệnh. Những vaccine mà Chính phủ Việt Nam nhập về đều rất tốt và người dân nên tin tưởng thay vì lựa chọn vaccine này hay vaccine khác.

Theo ông, có xảy ra vấn đề gì không nếu đến lịch tiêm mũi 2 nhưng chưa có đủ vaccine để tiêm hoặc vì lý do nào đó chưa tiêm được?  

Bộ Y tế luôn cố gắng và các đợt vaccine đang về Việt Nam ngày càng nhiều, vì vậy không lo chuyện thiếu vaccine. Trong quá trình quan sát việc sử dụng vaccine cũng như nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thời gian tiêm vaccine mũi 2 càng cách xa mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ với bệnh COVID 19 càng tốt. Như vậy, nếu như bị quá thời gian tiêm mũi 2 thì người dân cũng không nên lo lắng, không phải tiêm lại từ đầu mà vẫn tiếp tục tiêm mũi 2 và mũi 2 này có hiệu quả còn cao hơn.

Có thông tin về việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine hoặc tiêm thêm mũi thứ 3 để chống lại các biến chủng mới, thông tin này có đúng không?

Hiện tại đã có một số nghiên cứu về việc này, tuy nhiên những nghiên cứu này mới chỉ tập trung vào 2 loại vaccine mà hiện tại Bộ Y tế Việt Nam cũng cho phép sử dụng kết hợp, đó là Astrazeneca và Pfizer. Các kết hợp khác hiện mới chỉ là các quan sát ở một số quốc gia trên thế giới, một số nước cũng đã cho phép kết hợp 2 loại vaccine dù chưa có nghiên cứu.

Ở nước ta chỉ dùng kết hợp 2 loại vaccine trong trường hợp bị hạn chế về nguồn cung, nhưng với khả năng hiện tại thì không lo quá về nguồn cung. Vì vậy, vẫn nên tiêm thống nhất 1 loại vaccine ở cả 2 mũi tiêm, như vậy sẽ bảo đảm an toàn hơn là dùng kết hợp trong khi chúng ta chưa có đủ dữ liệu lâm sàng về việc này.

Ngoài ra, một số hãng dựa vào các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu nghiên cứu về việc tiêm mũi thứ 3 và đã ra khuyến cáo về việc này. Ví dụ Pfizer khuyến cáo sau khoảng 1 năm thì tiêm nhắc lại mũi 3 hoặc Astrazeneca gần đây cũng đã có khuyến cáo là tiêm mũi 3 sau 6-9 tháng tiêm mũi 2. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các bằng chứng và thử nghiệm, đồng thời mục tiêu trước mắt hiện nay của chúng ta vẫn đang tập trung hoàn hành việc tiêm mũi 1 và mũi 2.

Vì sao một số nước trên thế giới là nơi nghiên cứu, sản xuất vaccine rất sớm và có nguồn cung vaccine dồi dào ngay trong nước, nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình lây lan dịch bệnh?

Tại một số quốc gia trên thế giới hiện nay, phong trào phản đối vaccine đang rất phổ biến. Do đó, dẫn đến tình trạng là dù có rất nhiều vaccine, có nước lượng vaccine nhiều gấp 4 lần dân số, nhưng tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 50% số dân. Như vậy chỉ có 50% số người dân này được bảo vệ, trong khi họ vẫn có khả năng bị lây nhiễm từ những người không tiêm, thậm chí từ cả những người đã tiêm phòng.

Bên cạnh đó, họ có một sai lầm nữa là cho rằng đã tiêm phòng rồi thì không cần đeo khẩu trang, không cần hạn chế tập trung đông người. Trong khi đó, chủng Delta có khả năng lây nhiễm rất mạnh, lượng đào thải virus lớn gấp 1.000 lần so với chủng gốc. Vì vậy, chúng ta thấy ở các quốc gia này số người lây nhiễm tăng tới 300% trong thời gian gần đây, chính là do sự chủ quan của họ, chứ không phải là vaccine không hiệu quả.

Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Quang Thái!

Theo baotintuc.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top