Huyền thoại kinh doanh xứ sở xương rồng
5 tuổi, Carlos Slim đã kiếm được tiền từ những vụ mua bán nhỏ. Nhờ mặc cả, cậu bé Slim mua đồ chơi trên phố với giá rẻ, sau đó đem bán chúng cho những người bạn cùng tuổi, thậm chí là các anh trai để ăn chênh lệch. Có thể nói của hàng quần áo nho nhỏ mang tên “ngôi sao phương đông” của bố mẹ Slim là môi trường để cậu vận hành những phương thức kinh doanh sớm nhất. Không những thế, trí thông minh và khả năng ghi nhớ những con số của Slim còn được bồi dưỡng nhờ người cha doanh nhân. Ông đã dạy Slim cách đọc những báo cáo tài chính và tính toán số liệu.
12 tuổi, Slim thử sức kinh doanh bằng việc mua 44 cổ phiếu của một trong những ngân hàng lớn nhất Mexico với giá 5.523 Peso. Thời gian qua, khi Slim bước vào cổng trưởng trung học, khoản đầu tư năm nào đã phát triển thành 31.900,26 Peso.
Trong một lần họp đại hội cổ đông, khi đó Carlos Slim Helu chỉ là một thanh niên rất trẻ đang sở hữu số cổ phần rất ít, nhưng đã làm mọi người bất ngờ và thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán một cách chính xác đến tận con số phần nghìn.
Với năng khiếu kinh doanh bẩm sinh như thế, lại lớn lên trong một gia đình kinh doanh, Carlos Slim đương nhiên là theo nghiệp kinh doanh buôn bán. Công ty thương mại “La Estrella del Oriente” của cha con Carlos Slim kinh doanh tổng hợp từ A đến Z, dù đó là sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm, hay thuốc lá, rượu. Hoạt động kinh doanh của Carlos Slim phát triển rất nhanh. Ông thay đổi mặt hàng liên tục và mỗi lần như vậy là một lần ông thắng lớn.
Dần dần, cả một hệ thống cửa hàng thương mại đã hình thành. Ở tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim. Carlos đã rất thành công xây dựng một chuỗi nhà hàng Sanborns. Đây là hệ thống nhà hàng cao cấp lớn nhất Mexico và có mặt tại rất nhiều thành phố lớn.
Năm 1990 được xem là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vị tỷ phú này. Khi đó Nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia gọi tắt là Telmex, và dù hoàn toàn “mù” công nghệ nhưng Carlos Slim liều mình dồn hết tài sản vào phi vụ này.
Cuối cùng, với 1,7 tỷ USD, ngài Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn này Telmex. Sự nhạy bén và táo bạo đã đem về cho ông một gia tài kếch xù về sau và chính thức trở thành huyền thoại kinh doanh hay ông trùm truyền thông Mexico. Cách đây 14 năm khi mua 1 cổ phiếu của Telmex, Slim chỉ bỏ ra có 0,8 cent. Còn bây giờ giá cổ phiếu của Telmex trên thị trường chứng khoán là 34 USD. Vào thời điểm hiện tại, giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 cho đến 12 tỷ USD.
Có khả năng đón đầu xu thế chính xác
Theo như giới báo chí Mexico thì Slim hoàn toàn nói không với tiếng Anh và máy tính. Ông cũng không thuộc một khái niệm cơ bản nào về công nghệ. Thế nhưng Texmex là một trong những tập đoàn viễn thông đầu tiên trên thế giới có ngay dịch vụ Internet ADSL phục vụ khách hàng.
Mặc dù Mexico cũng như đa số các nước châu Mỹ Latin chưa phải là những nước công nghiệp phát triển nhưng Carlos Slim đoán trước sự giảm sút của mạng điện thoại dây truyền thống. Slim nhìn thấy thị trường sẽ nhanh chóng chuyển sang điện thoại di động trong thời gian tới, thậm chí là tạo ra một cuộc cách mạng không dây. Vì thế, Slim ngay lập tức thành lập công ty con là America Movil để đón đầu nhu cầu mới với vốn điều lệ 100% từ tập đoàn.
Lúc này, thị trường điện thoại tại Mexico có công ty Telefonica của Tây Ban Nha đang dẫn đầu thị phần. Việc ra đời công ty America Movil của ngài Slim khiến đối thủ nhanh chóng cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt. Thế là một cuộc rượt đuổi ngoạn mục xảy ra giữa hai nhà cung cấp mạng điện thoại di động tại châu Mỹ Latinh. Đến cuối năm 2003, America Movil của America Movil đã đạt số khách hàng là 40,4 triệu, xấp xỉ với số khách hàng 40,6 triệu của nhà cung cấp đến từ Tây Ban Nha.
Slim cũng nhanh nhạy phát hiện ra rằng tin học và viễn thông là mô hình kinh doanh có tính toàn cầu. Thế nên ông đã tìm cách vươn ra các thị trường quốc tế, mà trước mắt là thị trường châu Mỹ Latinh. Năm 2003, Carlos Slim đã mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South Sao Paulo của Braxin với cái giá “chỉ có” 625 triệu USD.
Tiếp đó, Slim cũng chi phối tập đoàn viễn thông lớn nhất của Braxin là Embratel Participa với số cổ phần áp đảo. Tập đoàn Carso của Slim như cỗ máy hung hăng tiến thẳng vào thị trường Mỹ khi ông đầu tư vào tờ báo New York Time với số vốn 250 triệu USD mà thực chất là cho vay với lãi suất 14%. Mục tiêu của Slim vẫn chưa dừng lại ở đó khi “đánh hơi” được một thương vụ béo bở khác. Tập đoàn viễn thông Mỹ MCI đứng trước nguy có phá sản đã phải bán số cổ phần mà MCI đang nắm giữ cho Texmex với giá 360 triệu USD.
Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, với lối kinh doanh quyết đoán. Đó là mua tất cả những cái gì có thể mua được để giành lấy thế độc quyền trong bất cứ một lĩnh vực hứa hẹn sinh lời nào. Nhờ vậy, Slim đã gây dựng được cho mình một đế chế truyền thông hùng mạnh. Nhờ đó, Slim cũng tạo dựng cho mình được những mối quan hệ chính trị vững chắc mà bất kể “ông trùm” nào cũng thèm khát.
Làm việc 14 tiếng mỗi ngày và làm từ thiện không chiêng trống là những gì người khác nhắc tới Slim nhiều nhất.Trong nhiều năm liền, các quỹ học bổng mang chính tên ông đã cấp 20.000 suất cho sinh viên. Quỹ hỗ trợ trẻ em mang tên ông đã giúp trên 5.000 trẻ em phạm pháp có cơ hội trở lại cuộc sống của những đứa trẻ bình thường.
Hơn 11.000 ca mổ trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ từ thiện của Carlos Slim Helu. Ông đã chi tới 50 triệu USD để tu sửa lại 34 toà nhà cổ tại trung tâm tài chính xưa kia của thành phố, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Hoàng Bách (tổng hợp)