Hôn mê không để lại di chứng
Động kinh là bệnh xảy ra đột ngột, khi lên cơn choáng ngất, hôn mê bất tỉnh nhân sự, chân tay co giật, người cứng ruỗi, sùi bọt mép, đờm trong loãng, mắt trợ trừng, răng cắn chặt, tiếng khó khè, đờm dãi như dê, lợn kêu, đái ỉa không biết… sau ít phút thở sâu, tỉnh lại, không biết, không nhớ sự việc xảy ra.
Bệnh có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Thời gian trung bình mỗi cơn: ngã lăn hôn mê 30 giây, co giật 2 – 3 phút, tỉnh – mê mệt 10 – 30 phút. Sau cơn co giật không để lại di chứng thần kinh, người mệt mỏi, nhức đầu, sau đó tự khỏi, mọi hoạt động trở lại bình thường.
Giản chứng đơn giản như trên là cơn điển hình. Nhưng tùy theo thể trạng, người bệnh, bệnh nguyên, bệnh cơ, mức độ bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh mới phát hay mắc lâu... mà bệnh tình biểu hiện khác nhau.
Chẳng hạn, khi phát cơn liên tục, phát dài hoặc ngắn, có khi mấy phút, vài giây hoặc liên tục hàng giờ.
Thời gian nghỉ không tái phát cơn khi dài, khi ngắn, có khi một ngày một cơn hoặc vài ngày một cơn, vài tháng, vài năm một cơn. Mức độ cơn phát nặng nhẹ khác nhau. Cơn nhẹ: ngớ ngẩn không biết gì, không nghe, không thấy, không động, không biết… sắc mặt xanh nhợt… nhưng không có co giật chân tay.
Bệnh nhân thường đột ngột dừng hoạt động, vật cầm trên tay tự nhiên rơi xuống, đầu, bụng tự nhiên gục xuống, rồi ngẩng lên, tròng mắt trương lên, hai mắt nhìn trừng trừng…
Sau mấy giây hoặc mấy phút, trở lại bình thường, không biết, không nhớ sự việc đã xảy ra. Cơn nặng giống cơn điển hình, sau có tái phát lại.
Tự ngã mà không biết
Bệnh nguyên, bệnh cơ của điện giản là do: ngoại cảm phong tà (ngoại nhân) hoặc do can phong nội động hiệp với đàm (nội nhân); Tạng phủ suy tư, mất điều hòa, đàm trọc trở trệ, khí cơ nghịch loạn làm cho tỳ, can, thận, bị tổn thương (nội thương - ngoại thương), phong dương, đờm trọc che lấp thanh khiếu, chạy khắp kinh lạc là cơ sở chủ yếu, yếu tố cơ bản phát ra chứng động kinh.
Bệnh nặng hay nhẹ có quan hệ đờm trọc sâu hoặc nông; chính khí thịnh hay suy.
Nói chung lúc đầu chính khí chưa suy, đờm trọc chưa sâu thì thời gian phát cơn ngắn, thời gian nghỉ cơn dài. Nếu phát đi phát lại gần nhau thì chính khí càng suy, bệnh càng nặng thêm, đờm trọc càng kết vào sâu, thành ngoan đàm, bệnh ngoan cố.
Khi bệnh phát đột ngột ngã lăn (không tự biết trước), hôn mê nên có thể xảy ra nhiều chấn thương, tai nạn (tại nơi ngã lăn với nước, lửa, va đập…) nguy hiểm đến tính mạng hoặc di chứng sau này. Các nguyên nhân chính gây bệnh như sau:
Tà khí lục dâm xâm phạm: sau khi mắc các bệnh khác nhau, làm tạng phủ suy tổn; đờm trọc trở trệ tích ở trong; đến khi gặp khó nhọc quá sức hoặc sinh hoạt mất thường độ làm khí cơ nghịch loạn, tác động đến khối đờm đã tích ở trong, đờm trọc nghịch lên quấy nhiễm tâm thần, đàm mê tâm khiếu phát thành bệnh.
Nhân tố tiên thiên: Động kinh từ lúc còn nhỏ của trẻ có quan hệ mật thiết với nhân tố tiên thiên, tức là bệnh từ thai khí sinh ra hoặc thai nhi trong bụng mẹ, người mẹ có sự đột ngột sinh kinh hoảng, sợ hãi (khi sợ thì làm cho tinh ngưng lại). Sự thương tổn tinh, khí, của mẹ tất nhiên làm cho sự phát dục của thai nhi khác thường, nên sau khi phát sinh trẻ em dễ có thể phát sinh bệnh.
Thất tình mất điều hòa: 7 loại cảm xúc: vui, giận, buồn, sầu, sợ, hãi, nghĩ. “Khi sợ thì khí hạ, khi kinh thì vượng”. Đột nhiên, đại kinh, đại hoảng làm khí cơ nghịch loạn rồi tổn hại đến tạng phủ, can thận bị tổn thương dễ làm cho Âm không lên tiềm hòa được Dương mà sinh nhiệt, sinh phong.
Tỳ vị bị tổn thương gây đờm thấp, đờm trọc tính tụ lâu ngày mất điều hòa gặp điều kiện, đờm trọc theo khí nghịch lên, theo hỏa bốc lên, theo phong động, che bít tâm thần, thanh khiếu mà phát ra bệnh (lên cơn không thể cưỡng được).
Não bị tổn thương: Bị vấp ngã, tai nạn chấn thương, sinh đẻ khó phải can thiệp có thể làm cho sọ não bị tổn thương, thần chí nghịch loạn, mê không biết gì, khí huyết ứ trở, lạc mạch không hòa, chân tay co giật mà phát bệnh.
BS Trần Mộc (Hội đông y quận Ba Đình)