TVN và nỗ lực “treo” dự án, kinh doanh trái phép trên đất thuê của Nhà nước

(khoahocdoisong.vn) - Tổng Công ty CP Thép Việt Nam (VNSTEEL - TVN) đang loay hoay trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất “khủng” được Nhà nước cho thuê. Nhiều lô đất vàng được lên kế hoạch kinh doanh bất động sản nhưng không thành, sau đó sử dụng sai mục đích thuê đất ban đầu.

Dự án “treo” cả thập kỷ

Đến nay, TVN được Nhà nước giao cho sử dụng 14 lô đất (không tính những lô đất thuê ngoài thời hạn 50 năm của các công ty con). Trong đó, có 7 lô đất được TVN ký hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm không xác định thời hạn. Với 7 lô đất còn lại, TVN xin chuyển đổi sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo phương án cổ phần hóa đã ghi nhận phải trả Ngân sách Nhà nước, nhưng chưa được phê duyệt.

Cho đến nay, TVN còn nợ nộp Ngân sách Nhà nước 549,4 tỷ đồng liên quan tới giá trị quyền sử dụng đất đối với 7 lô đất mà TVN đang xin chuyển đổi trên.

Do đó, TVN vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang trả tiền thuê đất hằng năm cho các lô đất nói trên, ngoại trừ lô đất tại 120 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội). 

Năm 2012, UBND TP Hà Nội phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất cho TVN lô đất 120 Hoàng Quốc Việt là 54,5 tỷ đồng.

Hiện, TVN vẫn đang nợ tiền thuê đất tại lô đất 120 Hoàng Quốc Việt, trong đó khoản lãi tiền phạt do chậm nộp tiền thuê đất của lô đất này đã lên tới hơn 26 tỷ đồng.

Lô đất 120 Hoàng Quốc Việt hiện đang được TVN kinh doanh cho thuê lại (Ảnh: PV).

Lô đất 120 Hoàng Quốc Việt hiện đang được TVN kinh doanh cho thuê lại (Ảnh: PV).

Tuy nhiên, Dự án khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ và văn phòng trên lô đất vàng với 2 "mặt tiền" tại 120 Hoàng Quốc Việt đã trở thành dự án “treo” suốt 1 thập kỷ qua.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác đầu tư giữa TVN và Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật Vinaconex, tòa nhà chung cư cao tầng tại 120 Hoàng Quốc Việt sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2011, TVN là chủ đầu tư dự án, chịu mọi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, TVN đã vi phạm hợp đồng, không thực hiện đúng theo thời gian cam kết, khi chưa thể giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật Vinaconex thực hiện Dự án.

Luật Đất đai 2013 có quy định, thủ tục tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải do UBND cấp có thẩm quyền đứng ra thực hiện, chủ dự án không có thẩm quyền thu hồi đất cũng như tiến hành làm nhiệm vụ bồi thường.

Như vậy, TVN không được phép trực tiếp thực hiện giải phóng mặt bằng và đền bù mà phải thông qua UBND quận Cầu Giấy, cụ thể là Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Cầu Giấy hoặc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy.

Trao đổi với KH&ĐS, cả hai cơ quan này đều trả lời chưa từng nhận được Hồ sơ xác định giá đất cũng như phương án giải phóng mặt bằng, đền bù của khu đất 120 Hoàng Quốc Việt.

Đại diện của cơ quan chức năng cũng cho biết, nếu lô đất chưa được giải phóng mặt bằng thì chưa thể được cấp phép xây dựng. Chủ đầu tư dự án còn nợ tiền thuê đất cũng không thể thực hiện chuyển đổi giá trị sử dụng đất, cũng như triển khai dự án.

Hiện tại, lô đất 120 Hoàng Quốc Việt đang được TVN kinh doanh cho thuê làm bãi để xe, cho thuê dịch vụ ăn uống và ga-ra ô tô, tức là đang sử dụng sai mục đích đất thuê Nhà nước.

Quá hạn thuê đất vẫn không di dời

Năm 2017, UBND TPHCM đã ban hành quyết định đối với cơ sở sản xuất tại Km9 Xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM (nay là TP Thủ Đức), do không phù hợp với quy hoạch đô thị và gây ảnh hưởng môi trường. Đây là lô đất thuê của Công ty cổ phần Thép Thủ Đức – VNSTEEL (TDS) - một công ty con của TVN. Theo đó, TDS phải hoàn thành di dời nhà máy vào quý 4/2019.

Tuy nhiên, đến nay, TDS vẫn chưa chưa lập và triển khai kế hoạch di dời nhà máy. Hội đồng quản trị Tổng công ty thép Việt Nam cũng không thông qua việc di dời nhà máy.

Vì vậy, TDS xin gia hạn tiếp tục thuê đất vị trí hiện tại đến hết năm 2022, nhưng chưa nhận được công văn chấp thuận của UBND TPHCM và Sở tài nguyên và môi trường TPHCM.

Nếu như TDS di dời nhà máy về KCN Hiệp Phước 2, huyện Nhà Bè, tổng chi phí di dời dự tính mất khoảng 960 tỷ đồng.

Sự kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Theo đó, tháng 12/2020, TVN đã cam kết hỗ trợ tài chính và hỗ trợ hoạt động cho TDS tiếp tục hoạt động trong vòng ít nhất 1 năm từ ngày BCTC năm 2020 phát hành.

Trước đó, CTCP Thép Thủ Đức đã ký kết hợp tác với CTCP phát triển và tài trợ địa ốc R.C (REFICO), hai bên thỏa thuận xây dựng khu phức hợp thương mại, dịch vụ văn phòng chung cư và nhà biệt thự với diện tích xây dựng dự kiến là 6,3ha tại khu đất sản xuất hiện nay và cũng không thành.

Rõ ràng, TDS cũng như TVN đang cố tình chây ì, không thực hiện đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp ra khỏi nội đô.

Đặc biệt, với quy hoạch hiện nay, TP Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, cả TDS và công ty mẹ là TVN đều không muốn di dời, chuyển ra khỏi thành phố, ngay cả khi dự án xây nhà chung cư cao tầng trên đất này đã bị dừng lại.

Nhà nước hiện đang sở hữu 93,93% vốn điều lệ và quyền biểu quyết tại TVN. Trong đó, đứng đầu là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 128,8 triệu cổ phiếu, tương đương chiếm tỷ lệ 19% vốn của TVN. Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc của SCIC là người đại diện phần vốn của SCIC đang nắm giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tại TVN.

Còn lại 74,93% vốn cổ phần của Nhà nước tại TVN được chia đều cho các ông Nghiêm Xuân Đa (nguyên chủ tịch HĐQT TVN), ông Nguyễn Đình Phúc (Tổng Giám đốc TVN), ông Đình Văn Tâm và ông Trần Hữu Hưng.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TVN đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty “Tăng trưởng công suất”. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng điểm, xuyên suốt trong “Chiến lược phát triển của TVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

Kết quả là việc thực hiện Chiến lược phát triển và Đề án tái cấu trúc của TVN chỉ đạt được ở mức hạn chế, thiếu đồng bộ và không hoàn thành theo đúng chỉ tiêu. Sản xuất kinh doanh vì vậy cũng bị bó hẹp lại, sức cạnh tranh suy giảm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính được TVN nhắc đến khi trình lên Bộ Công Thương là có liên quan đến đất đai, dẫn tới khó khăn trong việc thoái vốn và quyết toán cổ phần hóa.

Theo Đời sống
back to top