Năng lực non yếu so với “anh em” tư nhân
TVN bao gồm 14 công ty con. Nhiệm vụ chính của TVN là xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh đa ngành với hoạt động cốt lõi là sản xuất kinh doanh thép. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh sắt thép, kim loại các loại của TVN khá chật vật.
Đến nay, nhiều công ty con của TVN hoặc chờ khai tử, hoặc vướng lao lý và nợ Nhà nước số tiền khổng lồ. Cụ thể, Công ty CP Thép tấm Miền Nam đang chờ giải thể; Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) với Dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng, kèm theo trọng án kinh tế của nhiều cán bộ chủ chốt TVN; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung liên tục thua lỗ, nợ ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng với Dự án Mỏ Quý Xa, kiểm kê hàng hóa trong kho thiếu hụt cũng hàng trăm tỷ đồng; Công ty CP Sắt Thạch Khê đang tạm dừng hoạt động, hàng nghìn tỷ đồng nguy cơ "bốc hơi" theo Mỏ sắt Thạch Khê.
Ngay đến Công ty mẹ là Tổng Công ty cũng ghi nhận lợi nhuận âm trong quý 1/2021, phải để các công ty con khác “gồng lỗ” thay.
Trong báo cáo thường niên 2020, TVN thừa nhận: "Hoạt động sản xuất kinh doanh tại một số đơn vị con của Tổng Công ty chưa hiệu quả, bị thua lỗ lớn. Năng lực cạnh tranh chưa đồng đều. Khả năng tích tụ nguồn lực chưa cao, vốn cho đầu tư phát triển còn khiêm tốn, ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cấp hoặc đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ. Ngoài ra, còn một số đơn vị công tác quản trị chưa tốt, nên hiệu quả kinh doanh thấp và giảm sút, cần có giải pháp khắc phục nhằm duy trì và cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh".
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản còn một số tồn tại và tồn đọng như: kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản tại một số đơn vị vẫn còn phải điều chỉnh, bổ sung. Tiến độ thực hiện một số dự án còn kéo dài, việc huy động vốn khó khăn và việc giải ngân thấp. Một số vướng mắc tồn đọng liên quan đến quản lý đất đai, bất động sản từ các năm trước chưa được giải quyết triệt để.
Công tác an toàn lao động chưa tốt, vẫn để xảy ra lao động chết người, khai thác gây sụt lún tại Mỏ sâu núi quặng. Phương án và chi phí đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố trên đã được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được chi trả tới tay người dân.
Thực hiện cổ phần hóa từ năm 2011, nhưng cho đến nay, TVN vẫn chưa được phê duyệt quyết toán hồ sơ cổ phần hóa và xác định phần vốn Nhà nước. Do những thay đổi về hiện trạng đất của Tổng công ty, dẫn tới những phát sinh vướng mắc trong việc xử lý các tồn tại về đất đai khi cổ phần hóa.
Kế hoạch xây chung cư trên đất thuê của Nhà nước
Ngành kinh doanh cốt lõi không đủ sức cạnh tranh. Nhiều dự án mở rộng, khai thác đều kém hiệu quả, gây tác động xấu tới môi trường, gây thất thoát vốn Nhà nước.
Với ưu thế từng là doanh nghiệp Nhà nước, có quỹ đất “dồi dào”, được giao và cho thuê dài hạn, TVN đã và đang chuyển hướng đầu tư phát triển và xây dựng các chung cư cao tầng, tòa nhà thương mại, văn phòng cho thuê để kỳ vọng vào tương lai sáng hơn, dù không bền vững.
Từ năm 2009, TVN hợp tác với Công ty CP Địa ốc An Huy để thực hiện các Dự án xây dựng các tòa nhà hỗn hợp văn phòng kết hợp nhà ở chung cư và dịch vụ tại 3 cơ sở nhà đất tại TPHCM. Gồm khu đất tại 19/20 phường 17, quận Tân Phú; khu đất tại 41 Tổ 7, khu phố 3, phường Phước Long B, quận 9 và khu đất tại 45 ngõ Quang Huy, ấp An Điền, phường Thảo Điền, quận 2.
Theo thỏa thuận hợp tác, TVN cam kết góp 23,76 tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc giá trị quyền sử dụng đất tại các cơ sở nhà đất nêu trên, tương ứng với 27% vốn điều lệ.
Cũng trong năm 2009, TVN và Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật Vinaconex hợp tác đầu tư xây dựng dự án khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ và văn phòng tại 120 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu của dự án là 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 33 tháng, tức đến tháng 12/2011 tòa nhà hoàn thiện.
Năm 2016, công ty con của TVN là Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL (TDS) cùng Công ty CP Phát triển và tài trợ Địa Ốc R.C (REFICO) thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển xây dựng khu phức hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, chung cư và nhà biệt thự với diện tích xây dựng dự kiến là 6,3ha tại Km9, xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), TPHCM. Tỷ lệ góp vốn là: TDS góp 26% hoặc giá trị sử dụng đất, REFICO góp 74%. REFICO đã đặt cọc 50 tỷ đồng cho TDS ngay sau đó.
Đến năm 2019, REFICO gửi công văn xác nhận hai bên tạm dừng hợp tác và TDS hoàn trả số tiền cọc, nhưng TDS không phải thanh toán tiền phạt cũng như lãi suất phát sinh.
Nhiều dự án xây chung cư cao tầng đã được TVN "vẽ" ra và bắt tay với đối tác, ký kết hợp đồng đầu tư. Nhưng tất cả các dự án nêu trên đến nay, vẫn chưa dự án nào được bắt đầu. Do đó, những lô đất này vẫn đang được sử dụng cho mục đích khác của TVN. Ngay cả dự án xây tòa nhà văn phòng tại 91 Láng Hạ (Hà Nội) - Trụ sở chính của TVN cũng đang vất vả trong việc xin cấp giấy phép.
Đáng nói, tại thời điểm ký kết hợp tác đầu tư phát triển xây dựng chung cư, tòa nhà văn phòng, các lô đất trên vẫn là đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê hằng năm.
Chi tiết cụ thể về các Dự án xây chung cư cao tầng của TVN trên đất thuê của Nhà nước, KH&ĐS sẽ tiếp tục đưa tin trong các kỳ sau.