Tưởng trầm cảm sau sinh nào ngờ viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp sau sinh xảy ra ở khoảng 5 - 7% phụ nữ sau sinh đẻ, nhất là những người có tiền sử gia đình bị các rối loạn tuyến giáp. Tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với những stress hay những rối loạn tâm thần sau sinh.

Chị Nguyễn Thị B. (27 tuổi, Hà Nội) sau sinh con bị mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, dễ tức giận... Ai cũng chỉ nghĩ chị bị trầm cảm sau sinh nhưng càng điều trị bệnh càng nặng. Đến khi chị khàn tiếng, da khô... đi khám thì mới hay bị suy giáp do viêm tuyến giáp sau sinh.

viem-tuyen-giap-sau-sinh.jpg
Tưởng trầm cảm sau sinh nào ngờ viêm tuyến giáp.

Lời bàn: Viêm tuyến giáp sau sinh xảy ra ở khoảng 5 - 7% phụ nữ sau sinh đẻ, nhất là những người có tiền sử gia đình bị các rối loạn tuyến giáp. Tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với những stress hay những rối loạn tâm thần sau sinh. Bệnh thường phát triển thành hai giai đoạn, ban đầu là cường giáp sau đó phát triển thành suy giáp.

Đầu tiên tuyến giáp bị viêm sản xuất nhiều hormon giáp gây ra các triệu chứng của cường giáp như mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, dễ tức giận, tim đập nhanh và mạnh, run cơ, giảm cân không rõ nguyên nhân, chịu nóng kém. Giai đoạn này thường diễn ra trong vòng vài tuần đến vài tháng.

Sau đó, các tế bào giáp bị tổn thương nặng do viêm, trở nên kém hoạt động dẫn đến giai đoạn 2 với các triệu chứng của suy giáp như: Cảm giác mệt như không còn năng lượng, sợ lạnh, táo bón, da khô, mặt sưng húp, kém tập trung, tăng cân, khàn tiếng. Những triệu chứng này có thể kéo dài 9 - 12 tháng. Không phải trường hợp viêm tuyến giáp sau sinh nào cũng cần phải điều trị. Nếu các triệu chứng cường giáp không rõ ràng thì không cần phải điều trị. Một số ít trường hợp tiếp tục tiến triển thành suy giáp và có thể cần dùng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời. Do đó, phụ nữ sau sinh nếu xuất hiện các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top