Tưởng tai biến hóa ra chèn ép rễ thần kinh đám rối cổ

(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ người già mà cả người trẻ rất dễ đối diện với nguy cơ mắc bệnh đau rễ thần kinh cột sống cổ. Tuy nhiên, với các biểu hiện yếu cơ, giảm các phản xạ và tê bì...nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác.

Chữa tai biến không khỏi lại tưởng ung thư

Bà Nguyễn Thị T. 50 tuổi Hà Nội bị yếu bại tay trái, cánh tay phải luôn thấy bỏng buốt. Đi khám và chữa nhiều nơi đều chẩn đoán tai biến mạch máu não mức độ nhẹ. Bà điều trị cả năm trời mà các triệu chứng không được cải thiện nên rất hoang mang, lại nghĩ mình bị ung thư.  Khi đến Bệnh viện Phòng không không quân thăm khám, chiếu chụp không thấy hình ảnh chảy máu hay nhồi máu não cũ, mới, phát hiện thoát vị đĩa đệm cổ C2- C3, lồi nhẹ nhiều đĩa đệm, trên vai và dưới nách có điểm tắc (theo phương pháp vi mao mạch). Bà được chỉ định điều trị theo hướng chèn ép thần kinh đám rối cổ. Sau một đợt điều trị các triệu chứng giảm dần rồi hết.

BSCKII Hà Tường, Khoa ngoại Bệnh viện Phòng không không quân – người trực tiếp chữa cho bà T chia sẻ, không chỉ người cao tuổi dễ đối diện với nguy cơ mắc bệnh đau rễ thần kinh cột sống cổ do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mà cả người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng làm việc nhiều với máy tính hoặc tư thế ngồi làm việc không đúng cũng dẫn đến mỏi vùng vai gáy, thiểu năng  tuần hoàn máu não. Nếu không có biện pháp kịp thời để tình trạng trên kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ  ê ẩm vùng vai gáy mãn tính, đau đầu, chóng mặt, ngủ không sâu giấc, giảm thị giác và suy nhược cơ thể, thậm chí yếu cơ, teo cơ...Tuy nhiên, căn bệnh này dễ bị chẩn đoán nhầm và điều trị sai như trường hợp của bà T.

Điều trị sai mang lại tai họa

Theo BSCKII Hà Tường, 2 bệnh lý tai biến mạch máu não và đau dễ thần kinh cột sống cổ tuy có nhiều biển hiện giống nhau nhưng cách chữa trị lại hoàn toàn khác nhau. Khi bị tai biến cách điều trị chính là giải quyết khối máu tụ trong não bằng các phương pháp: Phẫu thuật, can thiệp mạch, dùng thuốc tiêu sợi huyết, chống phù não... sau đó mới tập phục hồi chức năng  để giải quyết các biểu hiện bên ngoài như yếu, liệt, tê bì...Điều trị tai biến mạch máu não rất khó khăn và tốn kém, khả năng phục hồi chậm.

Trong khi đó ở bệnh đau rễ thần kinh điều trị theo hướng khác nếu phát hiện sớm điều trị đúng thì tiến triển của bệnh nhanh, hiệu quả rõ rệt hơn. Điều trị bảo tồn là phương pháp hay được lựa chọn, chỉ can thiệp ngoại khoa khi chèn ép do thoát vị đĩa đệm mức độ nặng. Các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để làm giảm chèn ép tại chỗ, tăng dẫn truyền thần kinh và phối hợp bài tập vật lý trị liệu.

Đây là những cách có thể làm giảm nhanh triệu chứng đau nhức ở vùng cổ, khiến người bệnh có thể dễ dàng vận động và thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Chỉ khi các biện pháp trên không mang lại  hiệu quả, bệnh nhân đau dữ dội hoặc bị teo cơ, liệt vận động do thoát vị mức độ nặng thì phẫu thuật  giải phóng chèn ép mới được xem xét và chỉ định. Bởi phẫu thuật cũng tiềm ẩn những nguy cơ như: Chảy máu sau mổ, tụ dịch hoặc chèn ép do nẹp, bệnh nhân vẫn đau vẫn teo cơ…và các rủi ro khác.

BSCKII Hà Tường cảnh báo, thông thường, bệnh đau rễ thần kinh cột sống cổ dễ gặp ở người từ 30 – 40 tuổi trở đi. Ở lứa tuổi này, xương khớp bắt đầu có dấu hiệu bị lão hóa, không còn săn chắc như trước. Đó là lí do vì sao người bệnh sẽ thường xuyên bị đau nhức, khó chịu, tê buốt ở vùng cổ. Tình trạng bệnh sẽ tiếp tục diễn ra khi người bệnh ngày càng lớn tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị sai nguyên nhân  bệnh sẽ tiến triển nặng không đơn giản chỉ là tình trạng đau, tê cổ vai gáy mà còn yếu bại, teo cơ, liệt...

Để phòng ngừa bệnh đau rễ thần kinh cổ mọi người cần duy trì tư thế đầu và cổ thích hợp trong sinh hoạt, công việc, học tập tránh những tư thế ngồi, tư thế làm việc gây gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ quá mức kéo dài, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, chú ý tư thế ngồi và ghế ngồi thích hợp. Đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên tập các bài tập vận động cột sống cổ vừa sức để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, đồng thời tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng...

Ảnh: BSCKII Hà Tường đang thăm khám cho bệnh nhân

Thúy Nga

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top