Tượng 12 con giáp phản cảm vì xấu

"Tượng 12 con giáp Hòn Dáu không có gì là trái với thuần phong mỹ tục. Cái phản cảm ở đây là vì nó xấu, không đẹp”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Phản cảm vì không đẹp

Tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu, Hải Phòng đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Suy nghĩ của ông, một họa sĩ như thế nào về sự việc này?

Trước hết cần phải nói rằng, tôi đã đi nhiều resort nhưng không phải resort nào ở Việt Nam cũng làm được điều như Hòn Dáu, đó là quan tâm tới phần mỹ thuật, điêu khắc ở ngoài trời. Cách đây hơn 10 năm Hòn Dáu còn tổ chức được một trại sáng tác điêu khắc quốc tế, tức là họ có ý thức đến việc cho du khách thưởng thức nghệ thuật. Cái đáng phê phán ở đây chỉ là họ làm không đẹp.

le-thiet-cuong-2.jpg
Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Không đẹp ở chỗ nào, thưa ông?

Trong một bài báo tôi không thể phân tích hết, rạch ròi được về mặt chuyên môn, trừ phi đây là một tạp chí chuyên ngành về mỹ thuật.

Nhưng có thể nói đơn giản thế này, ví dụ, tượng 12 con giáp, cách đặt đầu con khỉ vào thân người đòi hỏi người nghệ sỹ điêu khắc phải rất có tài mới giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tỷ lệ. Theo đó, bộ phận sinh dục nam hoặc nữ ở trên phần thân đó phải ở tỷ lệ nào, nên to hay nên nhỏ thì nó mới phù hợp với phần trên là đầu con vật.

Hoặc riêng việc ghép đầu thật của một con vật vào thân hình người mà người cũng là thật, không biểu hiện, không trừu tượng đã là rất khó rồi. Thứ hai là bộ phận sinh dục của con người đi với đầu của một con vật thì cũng vô cùng khó.

Ở đây, cái không đẹp, phản cảm của tượng 12 con giáp là ở chính chuyện tác giả đã không giải quyết được những vấn đề đó.

Liệu có một cái chuẩn nào cho cái đẹp ở đây không? Vì có thể có những người lại cho rằng tượng 12 con giáp đó là đẹp?

Không thể nào đi dùng cái lý lẽ ngụy biện cho rằng nghệ thuật thì khó có chuẩn để phân biệt đẹp hay không đẹp được, mà dứt khoát nó phải có lý do. Nếu không như vậy thì tại sao nghệ thuật tồn tại đồng hành với thế giới từ mấy ngàn năm? Thử hỏi trống đồng có đẹp không? Đẹp! Gốm Chu Đậu đẹp không? Đẹp! Cái đẹp đó nó có tiêu chuẩn của nó chứ!

Không hề trái thuần phong mỹ tục

Chứ không phải là những bức tượng 12 con giáp có“vấn đề” ngay từ việc là tượng đầu thú mình người (có ý kiến cho rằng là sự xúc phạm con người) và lý do chính của sự phản cảm là vì phơi bày các bộ phận sinh dục, dung tục, không phù hợp thuần phong mỹ tục, thưa ông?

Một resort ở Trung Quốc có làm tượng đầu thú, mình người, cái này không mới. Còn nghệ thuật khỏa thân trong lịch sử tạo hình Việt Nam cũng là một truyền thống, chẳng có gì là trái với thuần phong, mỹ tục ở đây.

Ví dụ, sớm nhất về đề tài này có thể thấy chính là hình ảnh bốn cặp nam nữ đang giao hoan trên thạp đồng Đào Thịnh, thuộc văn hóa Đông Sơn cách đây 2.500 năm.

Hình ảnh những người phụ nữ tắm ao sen trên đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ 15. Điêu khắc gỗ đình làng thời Lê, Mạc cũng có nhiều mảng chạm lấy cảm hứng từ phụ nữ khỏa thân.

Các tượng nhà mồ Tây Nguyên đều có hình ảnh phồn thực. Các cầu thang của nhà rông, nhà dài của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, ngay ở đầu cầu thang là hình ảnh ngực của người đàn bà.

Chưa kể trong nghệ thuật điêu khắc Chăm thì còn vô cùng nhiều. Trong văn chương, thi ca cũng có, như thơ Hồ Xuân Hương: “đôi gò bồng đảo sương còn ngậm, một lạch đào nguyên suối chửa thông”…

Nhưng ở nơi vui chơi, giải trí công cộng, thì hình ảnh khỏa thân của các bức tượng 12 con giáp liệu có phù hợp, có nên “quy hoạch” vào một nơi dành riêng cho người lớn không, thưa ông?

Tôi phải nói thế này, cái đình của người Việt có nhiều chức năng, nhưng nó là một không gian tâm linh của làng, gắn với thờ người có công với làng, thờ ông thành hoàng làng, diễn ra các hoạt động văn hóa, tâm linh… Thế mà tại sao lại có rất nhiều hình ảnh về nam nữ giao hoan, khỏa thân được chạm khắc ở trong đình?

Điều này là sự đặc sắc của đình Việt Nam, khác với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Ấn Độ, những hình ảnh sex, nam nữ khỏa thân, họ in thành sách bé, tranh nhỏ gọi là “tiểu họa”. Ở Trung Quốc vẽ trên tranh lụa, mà tranh lụa treo trong nhà chứ không phải nơi công cộng. Ở Nhật thì là tranh khắc gỗ màu, mà tranh thì cũng treo trong nhà chứ không treo ngoài đường. Chỉ có riêng ở người Việt thì đề tài ấy được ở trong đình

Ngay ở đình Phù Lão, Bắc Giang, có chạm cảnh đôi nam nữ giao hoan, mà người nam còn cầm chân người nữ dang ra. Đình là không gian tâm linh mà còn có hình ảnh như vậy, thì khu vui chơi giải trí như Hòn Dáu có gì là không được?

Tức là vấn đề ở đây không nằm ở việc các con giáp “lõa lồ”, khỏa thân mà ở “chất lượng” như thế nào?

tuong-12-con-giap.jpg
Tượng 12 con giáp khoả thân ở Hòn Dáu gây tranh cãi.

Nếu bạn tạc bức tượng phân chim mà đẹp, tôi sẵn sàng mua về nhà trưng. Còn bạn tạc một ngôi sao mà xấu, thì cho tôi cũng không thèm.

Đề tài thuộc phạm trù nội dung, nó khá tĩnh tại. Nội dung tưởng là quyết định hóa ra lại không hẳn như vậy. Phần hình thức mới thật sự quan trọng, mới là yếu tố tạo ra phong cách, tạo ra tác giả.

Vấn đề ở đây giống như việc tác giả đã kể một câu chuyện, nhưng kể không hay. Còn nếu các bức tượng này mà đẹp thì với tôi, chẳng vấn đề gì.

Nhìn bằng con mắt “dâm” thì  khúc cây cũng “dâm”

Chuyện về bức tượng 12 con giáp, làm dấy lên một tranh luận về giữa sự dung tục, khiêu dâm và nghệ thuật đích thực. Là một họa sĩ, ông thấy khỏa thân có phải là một đề tài khó hay không?

Đông tây kim cổ, khỏa thân luôn là một đề tài lớn của nghệ thuật bởi vì vẻ đẹp của thiên nhiên hội tụ đầy đủ trong ngoại hình của con người. Nghiên cứu, hiểu và chiêm ngưỡng cái đẹp của hình, khối, đường cong, tỷ lệ của con người sẽ hiểu được sự vĩ đại của tạo hóa.

Từ thánh đường Sistine ở Vatican với những nhân vật đàn ông khỏa thân hoặc bức tượng David của Michelangelo (1475- 1564), những người đàn bà rất phồn thực trong tranh của Paul Gauguin (1848-1903)… là sự minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, khỏa thân, sex là đề tài đặc biệt, và khó, vì người nghệ sĩ phải biết cách “thoát hiểm”, luôn biết cách đi trên cái lằn ranh mong manh thanh –  tục. Đặc biệt phải biết biến cái nhục cảm thành mỹ cảm.

Tôi chưa thấy ai đi thuê một cụ già 99 tuổi về vẽ khỏa thân bao giờ, mà thường là các cô gái đẹp. Để sáng tạo, trước hết, người nghệ sĩ phải biết rung động trước vẻ đẹp, có rung động nam nữ. Tuy nhiên, vấn đề là người nghệ sĩ phải biết biến cái nhục cảm đó thành mỹ cảm, bởi cái đích cuối cùng của nghệ thuật là mỹ cảm.

Và suy cho đến tận cùng, chụp một cô gái nude cũng chính là chụp mình. Vẽ một cô gái nude cũng chính là “tự họa” mình, tự “nude” mình, tự thể hiện mình, phơi bày mình ra, mở mình ra, tự khám phá mình mà thôi.

Nhưng giả sử người sáng tác cho rằng, tác phẩm hướng tới sự thuần khiết, trong khi người xem lại bảo dung tục, thì lấy gì làm “trọng tài”, thưa ông?

Ở đây có hai vấn đề, là ở cả tác phẩm và người tiếp nhận. Đối với tác phẩm, cũng có những cái chuẩn chung về đẹp, như tôi đã nói. Còn khi tác phẩm đã đẹp rồi, mà người tiếp nhận không cảm nhận được, thì người tiếp nhận phải xem lại mình.

Bởi để thưởng thức nghệ thuật thì mỗi người cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghệ thuật. Nhiều khi cái dâm, nhạy cảm đã ở trong đầu của bạn rồi, bạn đã đeo cặp kính “dâm” rồi nhìn một cái gốc cây bạn cũng thấy nó dâm chứ đừng nói là nghệ thuật.

Ý kiến của ông thế nào về việc mặc quần áo cho các bức tượng, và theo ông, nên ứng xử thế nào với các tác phẩm mà ông nói là không đẹp đó?

Việc làm này chẳng khác gì đẽo cày giữa đường. Tượng là sự cách điệu, lại đi mặc quần áo thật, thì đương nhiên là phản cảm, thậm chí là sự phản cảm gấp đôi. Và đã không đẹp thì chỉ có bỏ, chứ khó sửa chữa lắm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ tượng 12 con giáp khỏa thân đặt tại khu du lịch quốc tế Hòn Dáu Resort, Đồ Sơn đã tạo nên luồng tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.  Một số người bày tỏ sự đồng tình nhưng không ít ý kiến cho rằng, tượng khỏa thân trưng bày công khai tại khu du lịch gây phản cảm. Trước diễn biến trên, ông Hoàng Văn Thiềng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dáu cho biết, 12 con giáp trên đã được đặt trong vườn tượng và mở cửa cho khách tham quan 10 năm nay.

“Những năm qua, chúng tôi không thấy du khách phản ánh, kêu ca gì về vườn tượng này, nhiều người còn thích thú sờ tay lên thân tượng khiến một số bộ phận của tượng sáng bóng”, ông Thiềng nói.

Trước sự phản ứng của dư luận, 12 con giáp đã được cho mặc quần, váy, bikini. Nhưng sau đó, cũng vì phản ứng của dư luận, các con giáp lại được cho đeo chùm nho, lá… che đi các bộ phận sinh dục.

Sau buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành ở Hải Phòng, đại diện khu du lịch Hòn Dáu nói sẽ tạm quây vườn tượng 12 con giáp và hạn chế khách tham quan.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top