Tượng 12 con giáp khỏa thân ở Hòn Dáu, Hải Phòng khiến dư luận bàn tán xôn xao. Một số người thì cho rằng tượng quá xấu, số khác gay gắt chê vì sự phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Cũng có người đứng về phía nhà đầu tư và nhà điêu khắc, khen, có sự sáng tạo…Không chịu được áp lực từ cơn bão phê phán, chủ nhân của những bức tượng này vội vàng… mặc quần cho 12 bức tượng. Nhưng, hành động “chữa cháy” ấy lại như đổ thêm dầu vào lửa.
Không chịu được áp lực từ cơn bão phê phán, chủ nhân của những bức tượng này vội vàng… mặc quần cho 12 bức tượng.
Thực ra, việc những bức tượng khỏa thân không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng trong thời đại ngày nay. Sự hội nhập về văn hóa giúp cho người Việt bắt đầu có cái nhìn “thoáng” hơn về cái đẹp. Người ta vẫn thích thú khoe hình ảnh chụp bên những bức tượng khỏa thân hoặc bán khỏa thân trong chuyến du lịch châu Âu nào đó. Chẳng ai cho đó là thô tục, là phản cảm cả.
Nhưng tại sao những bức tượng tại Hòn Dáu (Hải Phòng) lại bị chỉ trích nặng nề như vậy? Rõ ràng, điều khiến chúng bị ném đá không phải chuyện khỏa thân mà vì chúng được đặt không đúng chỗ, và vì…quá xấu.
Trên các diễn đàn báo chí chính thống và các trang mạng xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất là chúng… xấu. Những đường nét thô thiển, thiếu tinh tế làm cho những bức tượng ấy càng trở nên thô tục. Nó khiến người ta phải đỏ mặt vì xấu hổ.
Dường như cũng chỉ có ở Việt Nam người ta mới sáng tạo đắp tượng đầu thú mình người. Ở một số quốc gia, các tượng nhân sư thường là đầu người, mình thú thể hiện khát vọng vươn lên sự hoàn thiện của con người về mặt trí tuệ. Trong khi đó tượng 12 con giáp lại khiến người ta dễ suy diễn về khát vọng tôn vinh sinh thực khí nam/nữ.
Có lẽ, chủ nhân của những bức tượng đang được trưng bày tại Hòn Dáu đã sáng tạo quá đà. Và sự sáng tạo này lại còn xa mới chạm đến được tiêu chí thẩm mĩ của của nghệ thuật thứ thiệt.
Có một điều hiển nhiên, nghệ thuật luôn hướng tới cái đẹp. Vì thế, những bức tượng 12 con giáp xấu xí và lạ đời kia chắc chắn không thể là một tác phẩm nghệ thuật được. Và khi tác phẩm đó chưa chạm đến ngưỡng của nghệ thuật cũng có nghĩa nó chỉ dừng ở vị trí là thứ sản phẩm thỏa mãn về mặt tinh thần của một nhóm người nào đó.
Trong đời sống hôm nay, không thiếu người có điều kiện, không tiếc tiền để thỏa mãn thú vui nghệ thuật theo nhãn quan cá nhân. Đó là quyền tự do. Ai cũng có quyền làm điều mình thích miễn nó không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Mặc quần áo cho tượng 12 con giáp: Đến tượng cũng đỏ mặt, xấu hổ…
Như thế, những tác phẩm lẽ ra chỉ nên trưng bày trong một không gian riêng tư thì lại được bày tênh hênh ra trước bàn dân thiên hạ và được gắn vào cái mác tác phẩm nghệ thuật, thì việc dư luận phản ứng là điều dễ hiểu.
Cũng có người xuề xòa, cho rằng không nên quá khắt khe với những bức tượng khỏa thân tội nghiệp này. Vì ở châu Âu, một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật đỉnh cao, những bức tượng khỏa thân xuất hiện ở khắp nơi. Người dân ở đó luôn tự hào giới thiệu với bạn bè, du khách mỗi khi có dịp, như minh chứng cho đẳng cấp nghệ thuật của quê hương. Những ai cũng thấy rõ, những tác phẩm nghệ thuật ấy khác hẳn với những thứ gọi là tượng nghệ thuật ở Hòn Dáu, Hải Phòng.
Phô bày sở thích riêng tư ra giữa bàn dân thiên hạ đâu phải là khôn ngoan. Anh có tiền, anh thích, cứ việc, nhưng đừng làm phiền người khác, đừng để người khác cảm giác bị xúc phạm.
Khi bị lên án, chỉ trích chủ nhân của những bức tượng tại Hòn Dáu đã lúng túng, mặc vội váy, quần đùi cho tượng. Nhưng hành động chữa cháy này lại như đổ thêm dầu vào lửa. Nó làm cho những bức tượng vốn chỉ xấu nay lại thêm phản cảm.
Cái cách chữa cháy thô thiển của chủ nhân các bức tượng tại Hòn Dáu khiến người viết nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”. Rõ ràng, anh chàng kia chẳng biết đẽo cày nhưng vẫn muốn trở thành thợ đẽo. Vì thế, bất cứ ai tham gia, góp ý anh cũng nghe (bởi anh chẳng biết thế nào là đúng, là sai). Kết quả là, anh ta phá sản vì không thể làm nổi một chiếc cày nào.
Mặc váy, mặc quần đùi cho tượng: Đến tượng cũng đỏ mặt vì xấu hổ.
Theo Quốc Khánh (Vietnamnet.vn)