Theo SSI, một trong những nguyên nhân khiến NHNN phải bơm ròng lượng lớn tiền tệ ra thị trường là do thời điểm cuối quý II, nguồn cung VND trên thị trường liên ngân hàng thường kém dồi dào. Bằng chứng là lãi suất tuần cuối cùng của tháng 6 tăng thêm 0,7-0,91 điểm% so với cuối tuần trước, ở mức 4,014%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,043%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Trong khi đó, lãi suất huy động thị trường 1 vẫn duy trì ổn định ở mức 4,1%-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng trừ một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa ra mức lãi suất trên 8%/năm.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 18/6/2019, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22%, cao hơn so với cùng kỳ 2018 là 6,1% nhưng tăng trưởng huy động chỉ là 6,09%, thấp hơn rất nhiều so với mức 7,76% của cùng kỳ 2018. Do vậy, theo nhận định của SSI, số liệu chốt tháng 6 của NHNN công bố sẽ lớn hơn so với số liệu của tổng cục thống kê do các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động và cho vay trong những ngày cuối tháng. Huy động vốn tăng trưởng chậm lại trong khi các yêu cầu về chỉ tiêu an toàn, thanh khoản cao hơn nên lãi suất huy động vẫn đứng ở mức cao.
Về tỷ giá USD/VND, sau 3 tuần giảm mạnh trước đó, tuần qua, tỷ giá đã nhích tăng. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng 30 VND/USD lên mức 23.260/23.380. Trên thị trường tự do tăng 20 VND/USD lên 23.300/23.320. Mức tăng nhẹ này là do nhu cầu ngoại tệ tăng lên của khối các doanh nghiệp nước ngoài để chuyển lợi nhuận về nước vào thời điểm cuối quý. Tính riêng trong tháng 6/2019, VND đã phục hồi 0,47% so với với USD, làm giảm mức mất giá của VND so với USD trong 6 tháng đầu năm 2019 về mức 0,4%.
Ngoài tác động từ sự suy yếu của đồng USD trên thị trường quốc tế, cán cân thương mại tháng 6 chuyển từ thâm hụt sang thặng dư 400 triệu USD; giải ngân FDI đạt tới 1,8 tỷ USD, lũy kế 6 tháng 2019 đạt 9,1 tỷ USD – tăng 8,7% so với cùng kỳ 2018 khiến nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào đã hỗ trợ VND lên giá trong tháng 6.