Tự ý làm đẹp bằng y học cổ truyền: Lợi bất cập hại

(khoahocdoisong.vn) - Thị trường làm đẹp hiện nay rất hỗn loạn với đủ loại công nghệ Đông Tây y “thật giả lẫn lộn”. Nhiều người tìm đến với Đông y với tâm lý sử dụng thảo dược, an toàn và hạn chế can thiệp, nhưng làm đẹp bằng y học cổ truyền cũng phải đúng cách.
Người dân đến làm đẹp tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM

Người dân đến làm đẹp tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM

Rước họa vì dùng thảo dược bừa bãi

Sau 2 tuần "làm đẹp" theo hướng dẫn của người bạn, chị P.M. (30 tuổi, ngụ tại quận 4, TPHCM) phải đến Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM khám vì hai má và vùng trán ửng đỏ, da bong tróc. Chị cho biết đã sử dụng một liều thuốc Nam, một liều thuốc Bắc của bạn cho để đắp mặt nạ làm đẹp. Sau 1 tuần đắp mặt, da mặt chị đẹp lên thấy rõ nhưng đến tuần thứ 2 thì da bắt đầu bị đỏ, khô và bong tróc.

Khi được hỏi đó là thuốc gì thì chị chỉ trả lời chung chung: Thuốc được làm từ 100% thảo dược. Rất may chị chỉ bị dị ứng nhẹ, sau vài thang thuốc giải độc gan và dưỡng ẩm da thì vết dị ứng đã khỏi.

Không chỉ có chị M, khá nhiều chị em khác cũng truyền tai nhau các loại thuốc Đông y, mặt nạ Đông y làm đẹp, trong đó có cả thuốc rượu. Thuốc rượu là các loại rượu được ngâm cùng các nguyên liệu thiên nhiên là các loại rễ cây, vỏ cây khác nhau cùng một số loại bột màu trắng được cho là bột dưỡng được quảng cáo là loại bỏ mụn, từ mụn trứng cá cho tới những loại mụn khó đánh bay nhất như mụn đầu đen, mụn bọc, trị nám, tái tạo và làm đẹp da một cách hữu hiệu...

Tuy nhiên, theo các bác sĩ Đông y, trên thực tế, các loại thuốc rượu trên đều là những loại thuốc tự chế với những nguyên liệu cùng công thức không được kiểm chứng đánh giá chất lượng đảm bảo đối với sức khỏe. Thực tế, trong rượu có chứa cồn không hề tốt cho da, đặc biệt là vùng da nhạy cảm, chịu nhiều tác động của nội tiết tố cơ thể và tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài như vùng da mặt. Do đó sử dụng rượu thuốc để làm đẹp là điều không khả quan.

Làm đẹp bằng đông y phải đúng cách

Làm đẹp bằng đông y phải đúng cách

Làm đẹp đúng cách

BS.CKII Đỗ Tân Khoa – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM cho biết, nền tảng của chăm sóc sắc đẹp bằng y học cổ truyền không đơn thuần là đắp ngoài da mà kết hợp với các phương pháp xoa bóp, ấn huyệt để cân bằng cả từ bên trong. Do đó mang lại hiệu quả lớn, không những đẹp da mà còn nhuận sắc

Các vấn đề về da được điều trị thẩm mỹ tại bệnh viện gồm: Trị mụn trứng cá, trị nám, trị tàn nhang, điều trị viêm nang lông, chăm sóc da, trẻ hóa da, chữa rụng tóc, bạc tóc… Đặc biệt, cấy chỉ và nhĩ châm là hai phương pháp mới được ứng dụng trong điều trị trẻ hóa da, giảm cân, giảm vòng eo, giảm mỡ thừa cho những người thừa cân, béo phì. Ra đời sớm hơn, phương pháp cấy chỉ không những mang lại hiệu quả trong điều trị giảm cân mà còn được ứng dụng để làm gọn khuôn mặt, nâng hàm, xóa nếp nhăn vùng mí mắt, trán, xung quanh miệng, xóa vết nọng cằm giúp khuôn mặt tinh anh, mắt to...

Cách đây 2 tháng, chị Nguyễn Thị Nhiên, (42 tuổi, ngụ Q.12) đến BV Y học cổ truyền thực hiện cấy chỉ để xóa nếp nhăn vùng mắt, vùng khuôn miệng. Chị tâm sự: “Chỉ sau 3 lần cấy chỉ, các nếp nhăn trên khuôn mặt tôi đã giảm đáng kể”.

Mới đây các bác sĩ BV Y học cổ truyền còn nghiên cứu thành công phương pháp nhĩ châm trong điều trị giảm cân. Kết quả nghiên cứu trên 67 bệnh nhân sau 8 tuần điều trị giảm cân tại BV Y học cổ truyền cho thấy, trung bình các bệnh nhân giảm được 4-5kg cân nặng, vòng eo giảm từ 6-8cm. Đặc biệt, phương pháp này còn giúp người bệnh giảm cảm giác thèm ăn, do đó hiệu quả lâu dài được phát huy một cách tối ưu nhất.

BS Đỗ Tân Khoa nhận định, ưu điểm của làm đẹp bằng y học cổ truyền là ít can thiệp, ít xâm lấn, do đó loại bỏ được các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nguyên tắc của y học cổ truyền là dựa trên nền tảng cơ thể tự điều chỉnh, “thuận tự nhiên” nên ngày càng được nhiều người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, người dân nên tìm đến các cơ sở y tế chính thống để được thăm khám và làm đẹp đúng cách.

Theo Đời sống
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top