Mối quan hệ lòng tin giữa khách hàng và ngân hàng
Theo Bộ Luật Dân sự 2015, cụ thể tại Điều 87 Trách nhiệm dân sự của pháp nhân, có nội dung quy định như sau: "Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân" và "Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác."
Theo Luật sư Tô Thị Phương Dung, Phó Giám đốc của Công ty Luật TNHH Minh Khuê, ngân hàng là một pháp nhân, do đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện. Điều này cũng tương tự như trong lĩnh vực hành chính, Nhà nước phải bồi thường khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân. Hành động của một người đảm nhiệm một công việc nhất định trong pháp nhân chính là hành động của pháp nhân. Khi nhân viên ngân hàng gây thiệt hại thì trước hết pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Khách hàng tin tưởng khi giao dịch với ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc tin vào những nhân viên thay mặt cho ngân hàng. Do đó, về nguyên tắc, việc mất tiền gửi của khách hàng do lỗi của nhân viên ngân hàng, đặc biệt khi họ là tội phạm, ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm;
Bên cạnh đó, tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng về bản chất là cho ngân hàng vay, đã thuộc sỏ hữu của ngân hàng theo quy định “bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Kể cả trường hợp số tiền bị phong toả trong tài khoản tại ngân hàng thì vẫn được tính vào số vốn huy động chung để tính vào các giới hạn an toàn vốn.
|
Khách hàng tin tưởng và gửi tiền vào ngân hàng, đổi lại ngân hàng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho số tiền của khách hàng. (Ảnh min họa) |
Do vậy, mọi trường hợp mất tiền trong ngân hàng, kể cả do tội phạm thực hiện, về bản chất là chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của ngân hàng, chứ không phải của khách hàng. Khách hàng chỉ là người liên quan đến vụ việc. Tội phạm chiếm đoạt bằng các thủ đoạn gian lận, trộm cắp, lừa đảo hay tham ô tiền của ngân hàng thì cũng đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp với ngân hàng.
Điển hình là vụ một Phó giám đốc Chi nhánh Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng. Năm 2019, Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phô' Hồ Chí Minh đã quyết định: Eximbank phải có trách nhiệm thanh toán cho khách hàng 245 tỷ đồng tiền gốc, 115 tỷ đồng tiền lãi, trong đó có 16 tỷ đồng tiền lãi quá hạn.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, chức năng quan trọng nhất mà pháp luật trao quyền cho ngân hàng, đó là "nhận giữ tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân".
Theo luật sư Thắng, ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền chuyên nghiệp, hưởng lợi từ huy động tiền gửi và cho vay, vậy bảo toàn tiền gửi là trách nhiệm của ngân hàng thông qua sổ tiết kiệm hoặc chứng thư có giá trị tương đương. Nguyên tắc xuyên suốt của pháp luật dân sự cũng như pháp luật hợp đồng, đó là, tôi giao dịch với anh (ngân hàng), nếu tổn thất, thiệt hại xảy ra mà không phải do lỗi của tôi thì chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên phải là anh (ngân hàng) cho dù là lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng, hay kẻ gian ngoài ngân hàng.
Tiếp đó, căn cứ vào bản án có hiệu lực của cơ quan tố tụng mà người làm công do ngân hàng hoặc kẻ gian đó phải bồi hoàn cho ngân hàng. Qua một số sự việc khách hàng bị mất tiền gửi cho thấy, ngân hàng đã cố tình lờ đi nguyên tắc giản đơn và hợp đạo lý này khi “câu giờ” bằng hoạt động tố tụng vốn chưa được minh định.
Còn theo luật sư Đào Việt Hà (Văn phòng Luật sư Đào Việt Hà - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), khách hàng dù có kiểm tra tài khoản hàng ngày thì cũng chỉ biết thông báo cho ngân hàng, nếu bị mất tiền. Vậy tại sao không đặt vấn đề ngân hàng nên thông báo ngay cho khách hàng những biến động tài khoản, đặc biệt là những dấu hiệu bất thường trong giao dịch để cùng khách hàng khẳng định độ chính xác của giao dịch đó.
Thực tế, không ít vụ mất tiền mà lỗi không phải do khách hàng nhưng ngân hàng vẫn phủi trách nhiệm, vòng vo trong bồi thường. Vụ khách bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank xôn xao dư luận là một ví dụ.
Luật sư Hà cho rằng, qua các vụ khiếu nại về việc mất tiền trong tài khoản, ngành Ngân hàng cần quy định các cam kết rõ ràng về trách nhiệm của ngân hàng với tiền gửi. “Nếu cứ mất tiền (dù lỗi không do khách hàng) nhưng vẫn phải chờ tìm được kẻ gian để kẻ gian đó chịu trách nhiệm thay ngân hàng thì khác nào khách hàng đang "thả gà ra đuổi", còn ngân hàng thì tự do đá bóng trách nhiệm?” luật sư Hà đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, với kinh nghiệm 30 năm làm việc tại ngân hàng nước ngoài, nói: “Tôi thấy ở mọi ngân hàng, khi khách hàng đến gửi tiền, họ phải ký vào bản "điều lệ" gửi tiền, đó là hợp đồng gửi tiền giữa ngân hàng và khách hàng. Theo đó, ngân hàng cam kết giữ khoản tiền gửi của khách và sẽ hoàn lại đầy đủ khi tới hạn kỳ. Điều này có nghĩa, ngân hàng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về sự an toàn của tiền gửi. Nếu có sự cố xảy ra, việc đầu tiên là ngân hàng phải hoàn lại tiền cho khách, sau đó mới khởi kiện, truy tố kẻ gây ra sự cố để lấy lại tiền nếu có thể”.
Những thất thoát do nhân viên, do quy trình yếu kém là những lỗi quản lý của ngân hàng thì phải hoàn trả cho khách hàng. Không thể viện cớ đợi điều tra của cơ quan công an, rồi tính sau. Thất thoát do tin tặc, trách nhiệm hoàn lại tiền gửi hoàn toàn thuộc về ngân hàng, vì đó là sơ hở của họ trong việc quản lý công nghệ thông tin. Thất thoát trên thẻ ATM, thanh toán hay tín dụng cũng là trách nhiệm của ngân hàng, ngoại trừ trường hợp khách hàng không thông báo mất thẻ hay sử dụng thẻ không đúng với những chỉ dẫn đã cam kết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm, thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền, viện lý do chờ Tòa án giải quyết là cách câu giờ, làm khó. Khi các vụ việc chuyển sang án hình sự, việc đền tiền thường do tội phạm là cá nhân chịu. Do đó, không dại gì ngân hàng đứng ra đền, họ chờ phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, trường hợp không bắt được đối tượng lừa đảo hoặc bắt được nhưng đối tượng đã “tiêu” hết tiền thì khách hàng sẽ không bao giờ đòi lại được.
Như vậy, từ quy định pháp luật cho đến ý kiến của các luật sư, các chuyên gia kinh tế, đều cho rằng trách nhiệm trong việc để mất mát tài sản của khách hàng, dù là bởi lỗi cố ý hay cố ý của nhân viên, thì ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại tài sản này.
Liên hệ tới vụ việc bà Hồ Thị Thùy Dương bị nhân viên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín “rút trộm” 46,9 tỷ đồng, liệu đây có tiếp tục là một vụ việc đi vào lối mòn, phía ngân hàng “chờ” cho vụ việc chuyển sang án hình sự để không phải chịu trách nhiệm cho khoản tiền mà bà Dương nói riêng, khách hàng khác nói chung gửi tại Sacombank?
Nếu tình trạng này tiếp tục, sẽ có bao nhiêu khách hàng trở thành nạn nhân của những vụ nhân viên ngân hàng “rút trộm” tiền trong tương lại? Khách hàng còn có thể tin tưởng vào cơ quan, tổ chức nào để gửi gắm tài sản là tiền của mình?
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin ./.