Từ 2025 cấm nhập nhựa phế liệu: ngăn chặn rủi ro từ thị trường ngàn tỷ

(khoahocdoisong.vn) - Nhập khẩu nhựa phế liệu là một thị trường ngàn tỷ. Cơ hội hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều kẽ hở trong việc quản lý đã khiến nhiều cảng biển nước ta ngập tràn trong hàng nghìn container phế liệu “vô chủ”.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2227/VPCP-KTTH về việc xử lý phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước. Theo đó, nhựa phế liệu chỉ được nhập khẩu để tái chế đến hết ngày 31/12/2024.

Về việc xử lý phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tiếp tục xem xét, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm trung gian: phôi kim loại, hạt nhựa, sản phẩm nhựa tái chế thương phẩm nếu đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Riêng đối với nhựa phế liệu, chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm trung gian nêu trên đến hết ngày 31/12/2024.

Hiện đang tồn đọng hơn 21,5 nghìn container phế liệu tại các cảng biển.

Hiện đang tồn đọng hơn 21,5 nghìn container phế liệu tại các cảng biển.

Thông quan nhanh, kiểm soát chặt

Từ cuối năm 2017, Trung Quốc cấm nhập hầu hết các loại phế liệu, lập tức các doanh nghiệp Việt Nam tăng nhập về. Một thị trường ngàn tỷ, cơ hội hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cùng nhiều kẽ hở trong việc quản lý đã khiến nhiều cảng biển nước ta ngập tràn trong hàng nghìn container phế liệu “vô chủ”.

Phế liệu nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là từ Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan. Điều này dẫn đến tình trạng một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, chủ yếu là nhựa, giấy, sắt thép phế liệu.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, cả nước đang tồn đọng hơn 21,5 nghìn container phế liệu tại các cảng biển. Trong đó, số container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày trên 6.200 chiếc, số lượng tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày là trên 9.600 container.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tổng cục hải quan tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện nhập khẩu được thông quan nhanh các lô hàng đủ điều kiện phục vụ sản xuất. Cơ quan hải quan cũng phải kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Sau năm 2024, nước ta sẽ cấm nhập khẩu nhựa phế liệu.

Sau năm 2024, nước ta sẽ cấm nhập khẩu nhựa phế liệu.

Nguy cơ phế liệu tràn nội địa

Bộ Sinh thái - Môi trường Trung Quốc vừa đặt mục tiêu giảm nhập khẩu phế liệu về 0% vào năm 2020. Mục đích khuyến khích các nhà máy tái chế xử lý khối lượng rác thải nội địa đang ngày càng gia tăng. Trước đó, đầu năm 2019, Trung Quốc đã tiếp tục đưa vào danh sách cấm nhập khẩu thép, đồng và nhôm phế liệu thêm 8 chủng loại sau khi đã cấm 24 loại phế liệu nhựa vào cuối năm 2017.

Với kế hoạch này, từ tháng 7 tới, Trung Quốc sẽ mở rộng cấm nhập sản phẩm thép không gỉ và cấm nhập titan phế liệu vào cuối năm nay. Như vậy, sau hai lần gia tăng danh mục cấm các loại phế liệu nhập, Trung Quốc đã đi tiếp bước cuối cùng là cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu - chất thải rắn để bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, khi lệnh cấm hoàn toàn của Trung Quốc chính thức áp dụng, phế liệu của các nước sẽ có nhu cầu tìm “bến đỗ” mới thay thế Trung Quốc. Việt Nam được coi là vùng trũng để phế liệu chọn cập bến.

Trong một cuộc họp giữa tháng 7/2018 tại Hà Nội về Quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề nhập khẩu phế liệu ở nước ta đang là vấn đề cấp bách, cần phải làm ngay, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu phế liệu, Việt Nam có quy định mà vẫn vào ầm ầm là trái pháp luật.

Làng nghề Triều Khúc (Hà Nội) đang phải chịu ô nhiễm từ nghề tái chế phế liệu nhựa.

Làng nghề Triều Khúc (Hà Nội) đang phải chịu ô nhiễm từ nghề tái chế phế liệu nhựa.

Theo tìm hiểu riêng của KH&ĐS, phế liệu nhập khẩu để tái chế hầu hết đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tại cụm công nghiệp làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội), số nhiều các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể đều dùng nguyên liệu nhập khẩu này để tái chế sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp ở Triều Khúc thừa nhận, hàm lượng độc tố và bụi từ nguyên liệu nhập khẩu đều phức tạp hơn so với nguyên liệu trong nước. Do không được xử lý, cùng nhiều nguyên nhân khác khiến làng nghề Triều Khúc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top