Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông: Nhiều dấu hiệu "Giả mạo trong công tác"?

(khoahocdoisong.vn) - Như Báo KH&ĐS đã phản ánh về hàng loạt sai phạm của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông trong quá trình liên kết đào tạo, đào tạo ngoài trường. Không chỉ vậy, trường còn cấp hàng trăm chứng chỉ sơ cấp nghề  khi không đăng ký bổ sung và chưa được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TCGDNN) thẩm định, giao chỉ tiêu đào tạo. Với sai phạm này, nhiều dấu hiệu cho thấy Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông vi phạm Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Tội giả mạo trong công tác".

“Bất chấp” quy trình, bỏ qua quy định

Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 - 30/04/2019, nhà trường tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho 767 học sinh học 08 nghề trình độ sơ cấp, bao gồm: Điều dưỡng chuyển đổi sang Nha khoa; Y sĩ chuyển đổi sang Điều dưỡng; Hộ sinh chuyển đổi sang Điều dưỡng; Thẩm mỹ; Kỹ thuật viên xét nghiệm; Cấp cứu ban đầu; Thẩm mỹ chăm sóc da, vai, gáy, cổ chuyển đổi Điều dưỡng.

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông: Thu hồi 767 chứng chỉ nghề sơ cấp do cấp sai.

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông: Thu hồi 767 chứng chỉ nghề sơ cấp do cấp sai.

Kết quả kiểm tra cho thấy năm 2016, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp trình độ sơ cấp cho 463 học sinh học 07 nghề trình độ sơ cấp (Y sĩ chuyển đổi sang Điều dưỡng: 237 học sinh; Hộ sinh chuyển đổi sang Điều dưỡng: 36 học sinh; Thẩm mỹ: 53 học sinh; Kỹ thuật viên xét nghiệm: 28 học sinh; Cấp cứu ban đầu: 82 học sinh; Thẩm mỹ chăm sóc da, vai, gáy, cổ: 04 học sinh; Điều dưỡng chuyển đổi sang Nha khoa: 23 học sinh).

Năm 2017 với 264 học sinh học 05 nghề trình độ sơ cấp (Điều dưỡng chuyển đổi sang Nha khoa: 38 học sinh; Y sĩ chuyển đổi sang Điều dưỡng: 53 học sinh; Hộ sinh chuyển đổi sang Điều dưỡng: 36 học sinh; Thẩm mỹ: 20 học sinh; chuyển đổi Điều dưỡng: 117 học sinh).

Năm 2018, 40 học sinh học nghề chuyển đổi Điều dưỡng trình độ sơ cấp. Tuy nhiên, nghề chuyển đổi Điều dưỡng trình độ sơ cấp của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông không được TCGDNN cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN theo quy định tại Nghị định 143/2016/NĐ-CP.

Thế nhưng, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông vẫn tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp dù không lập hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động GDNN và không được TCGDNN cấp trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN là không đúng quy định của Luật GDNN.

Bởi lẽ, kể từ ngày 05/12/2015, trường chỉ được tuyển sinh, đào tạo, xét công nhận tốt nghiệp, cấp chứng chỉ sơ cấp cho người học các nghề đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của 08 nghề trình độ sơ cấp trên cũng không được nhà trường xây dựng, thẩm định mà sử dụng chương trình đào tạo do Bộ Y tế ban hành năm 1993 để giảng dạy cho 767 học sinh.

Ngoài ra, đối với mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông không thực hiện in ấn, phê duyệt mẫu, không báo cáo TCGDNN, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội.

Chứng chỉ cấp sai, trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh tra TCGDNN chỉ rõ việc nhà trường cấp phát 610 chứng chỉ sơ cấp nghề cho học sinh học 07 nghề trình độ sơ cấp theo mẫu chứng chỉ sơ cấp nghề ban hành kèm theo Quyết định số 75/2008/QĐ-BLĐTBXH và cấp phát 157 chứng chỉ sơ cấp nghề cho học sinh học nghề chuyển đổi Điều dưỡng trình độ sơ cấp là không đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế.

Cùng với đó, yêu cầu Hiệu trưởng Nhà trường ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ 610 chứng chỉ sơ cấp nghề và 157 chứng chỉ sơ cấp đã cấp cho người học 08 nghề trình độ sơ cấp nhưng không đúng quy định của Luật GDNN và Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH như đã nêu tại điểm 2.6 khoản 2 mục III Kết luận thanh tra này.

Đồng thời, báo cáo kết quả thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp với TCGDNN và Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội. Hồ sơ báo cáo, gồm: Quyết định thu hồi, tiêu hủy chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp; Biên bản giao nhận chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp giữa Nhà trường và học sinh được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp, Biên bản tiêu hủy chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp của Hội đồng tiêu hủy chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp của Nhà trường.

Hiệu trưởng Nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người học về việc thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp của người học; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người học, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động có liên quan đến việc thu hồi, hủy bỏ 610 chứng chỉ sơ cấp nghề và 157 chứng chỉ sơ cấp; thực hiện nghĩa vụ về tài chính, tài sản đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp chứng chỉ sơ cấp nghề của 610 sinh viên theo quy định của pháp luật (nếu có).

Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 610 học sinh và cấp chứng chỉ sơ cấp cho 157 học sinh học 08 nghề đào tạo trình độ sơ cấp không đúng quy định, có hình thức xử lý phù hợp theo quy định. Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 08 ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp nêu trên.

Tuy nhiên, khó hiểu là, trong kết luận thanh tra chỉ kiến nghị thu hồi các chứng chỉ đã cấp sai. Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý (TCGDNN) và trách nhiệm người đứng đầu (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông) dường như không được đề cập tới. 

Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin.

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Khắc Hùng (SN 1972), Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô về tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Trường Đại học Đông Đô đã cấp phát văn bằng 2 đại học chính quy không đúng quy định.

Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Tội giả mạo trong công tác" nêu rõ: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 - 5 giấy tờ giả.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 5 - 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.

Theo Đời sống
back to top