"Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường"

"Tác động dịch bệnh một mặt tạo khó khăn lớn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi. Thay đổi, thích ứng để ít chịu tác động bất lợi là đòi hỏi duy nhất lúc này".

Đó là khẳng định của GS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Dân trí về chủ đề về tự cường dân tộc trước thách thức đại dịch, thời cuộc.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 1

- Thưa Giáo sư, đại dịch tấn công 2 đầu tàu kinh tế đất nước cùng các trung tâm công nghiệp khiến nhiều người đặt vấn đề nên ưu tiên số một là chống dịch, còn về tăng trưởng có thể không quá đặt nặng năm 2021 mà chỉ thực hiện tái cấu trúc chờ năm 2022 chúng ta có vắc xin trong nước và tiêm cho toàn dân rồi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, ý kiến ông thế nào?

Hai đợt dịch đều vào những trung tâm kinh tế và các trung tâm công nghiệp, đầu não kinh tế như Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM và Hà Nội nhưng GDP các quý I, II vẫn tăng khả quan.

Đợt dịch lần 3 và 4 này có xu hướng kéo dài và chưa biết bao giờ dừng lại. Tác động đợt dịch lần thứ 4 này rất lớn, rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế quý III và có thể sang quý IV. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp lâm vào đình trệ, tăng trưởng 6,5% là rất khó khăn.

Tuy nhiên, cũng có cơ hội cho tăng trưởng cuối năm là đầu tư công và tiêu dùng, xuất khẩu, đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong nước, đặc biệt các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư.

Dấu hiệu phục hồi của kinh tế thế giới đã xuất hiện. Đà xuất khẩu đã có. Ngay từ lúc này, doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị nguyên, nhiên vật liệu để đón lấy.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 2
Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 3

Lúc này, Chính phủ cần đưa ra các gói giảm lãi suất bằng 0% cho doanh nghiệp xuất khẩu để họ tạm qua hoạn nạn, để doanh nghiệp tồn tại. Tất nhiên, khi nguồn lực có hạn, Việt Nam cần ưu tiên vào nơi cần, chỗ nào xứng đáng, đảm bảo hiệu quả bền vững và lâu dài, không thể cào bằng, ban phát được.

- Hiện có rất nhiều gói cứu trợ, giảm thuế được đưa ra, tuy nhiên thực tế chưa đạt như kỳ vọng. Theo ông chúng ta cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để phù hợp hơn trong điều kiện mới?

Đối với doanh nghiệp, Chính phủ cần giảm gánh nặng về chi phí, cần miễn đóng góp như quỹ hưu trí, quỹ tai nạn, thất nghiệp... Lúc này, họ lo trả lương tối thiểu cho người công nhân đã là khó khăn rồi.

Về sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn có bạn hàng xuất khẩu, nếu chúng ta không hỗ trợ bằng vốn rẻ, họ bị đứt gẫy đơn hàng sẽ mất mối làm ăn, mất quan hệ chuỗi cung ứng và rất khó quay trở lại.

Về dân sinh, lúc này làm sao vận động được người cho thuê nhà giảm tiền cho người thuê văn phòng, trụ sở, thậm chí nhà ở cho công nhân.

Tôi thấy dòng người từ TPHCM và các trung tâm công nghiệp phải hồi hương quả thực là lựa chọn bất đắc dĩ. Nó cho thấy mặt trái của mô hình mà chúng ta đang duy trì là phụ thuộc FDI và thâm dụng lao động giá rẻ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trước đây, Việt Nam chạy theo việc thu hút FDI bằng mọi giá, cứ có tiền đầu tư, có máy móc thiết bị là vào Việt Nam được. Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã có thay đổi về chiến lược thu hút FDI. Hy vọng sắp tới, hình ảnh trên sẽ không còn nữa.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 4

- Theo thống kê, trong 2 năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam đã giảm khá mạnh. Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân đã lớn, đây là cơ hội để chúng ta tin tưởng, đặt hàng với họ?

Chúng ta bây giờ đã khác trước kia rồi. Thậm chí có những doanh nghiệp đã vươn mình ra thế giới, có tên tuổi. Đường cao tốc, làm hầm, sân bay, xe ô tô điện đều có tư nhân tham gia sản xuất và có khả năng cạnh tranh.

Thế giới đang chứng kiến chu kỳ toàn cầu hóa trong chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và tái cấu trúc chuỗi liên kết sản xuất, sản phẩm. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt đón nhận và lan tỏa. Không phải cứ FDI mới đầu tư được lĩnh vực then chốt, chúng ta phải chủ động đón nhận sự chuyển dịch vốn đầu tư cho doanh nghiệp trong nước để tạo tiền đề phát triển.

Chúng ta thấy kinh nghiệm của các con rồng châu Á vươn lên mạnh mẽ là nhờ vào tập đoàn trong nước. Xuất phát là họ sử dụng công nghệ quốc tế và phát triển thị trường trong nước để tạo ra trụ phát triển cho quốc gia.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 5
Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 6

Việt Nam chúng ta có những lĩnh vực hoàn toàn có thể giành thị trường và đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước, ví dụ như công nghiệp đường sắt đô thị.

Nếu chúng ta cứ vay tiền, nhờ nước ngoài làm các tuyến đường sắt khác nhau như hiện nay thì chúng ta sẽ lệ thuộc họ. Các công nghệ trên các tuyến đường sắt đô thị ở Việt Nam hiện nay không đồng nhất và có thể để hậu quả cho tương lai.

Tôi nghĩ, Chính phủ nên có chính sách đặt hàng cho một hoặc 2 doanh nghiệp trong nước nghiên cứu các công nghệ mới của đường sắt đô thị, mua bằng phát minh, sáng chế về đường sắt đô thị hiện đại của thế giới để doanh nghiệp trong nước khởi sự. Sau đó chúng ta làm dần từng bước, nhân rộng. Một đất nước trải dài từ Bắc đến Nam, không thể không có các tuyến đường bộ, đường sắt liên kết hoàn thiện với nhau.

Có đơn đặt hàng, doanh nghiệp Việt sẽ chủ động mua công nghệ, sáng chế hoặc liên kết. Chúng ta có rất nhiều dự án cầu, đường, hầm và đường cao tốc mà giao cho tư nhân họ làm rất tốt nên chúng ta cần mạnh dạn, mở rộng tư duy.

Rồi kinh tế biển cũng vậy, chúng ta có lợi thế 3/4 giáp biển, có lợi thế về giao thông biển nhưng đang yếu kém về dịch vụ logistics. Đây là yếu kém của chúng ta, cần phát triển để tận dụng cơ hội, thế mạnh phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc tốt hơn.

Ví dụ Việt Nam có vịnh Vân Phong, nếu có hạ tầng dịch vụ tốt, có thể cạnh tranh được với luồng vận tải của Singapore.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 7
Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 8

- Covid-19 làm cấu trúc kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều vấn đề, nhưng nó làm lộ ra nhiều điểm sáng, những ngành mới, có thể là trụ đỡ tương lai đất nước. Theo giáo sư, biến cố dịch bệnh, thách thức biến đổi khí hậu buộc Việt Nam phải thay đổi cấu trúc kinh tế như thế nào?

Tác động dịch bệnh một mặt tạo khó khăn lớn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi. Chưa biết bao giờ đại dịch mới kết thúc và liệu rằng sắp tới có thể xảy ra một đại dịch khác nữa hay không?

Thay đổi phương thức thích ứng để ít chịu tác động bất lợi nhất là đòi hỏi duy nhất lúc này. Chúng ta nhìn thấy hàng loạt hạn chế, yếu kém song cũng thấy nhiều cái mới đang thay đổi rất nhanh. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ.

Chúng ta cần có một liên kết, không phải đơn thuần là chống lại dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Sức mạnh của thiên nhiên rất lớn, không thể chống lại được, phải dự báo tác động để tìm giải pháp thích ứng với những diễn biến đó, làm sao hạn chế được tác động, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh...

Từ khi có dịch bệnh, từ quản lý Nhà nước, đến thói quen dân sinh đã từng bước chuyển đổi sang điện tử hóa, chuyển đổi số. Những cơ quan nào vận dụng tốt chuyển đổi số, nơi đó ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn.

Người Việt Nam có lợi thế thích ứng nhanh, linh hoạt với chuyển đổi số từ người trẻ đến người già. Người ta thường nói thách thức mới thay đổi nhưng nay hãy thay đổi, đón nhận thách thức để có thành quả tốt hơn. Thay đổi không mất đi! Trải qua biến cố Covid-19, tôi tin người Việt sẽ phát lộ tinh thần và ý chí của dân tộc mình.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 9

- Có ý kiến cho rằng thời gian dịch bệnh là quãng nghỉ ngắn, độ tĩnh để nhìn lại, đánh giá và đổi thay trước khi bước vào một xu thế mới khi kinh tế toàn cầu vực dậy, bước vào chu kỳ phát triển mới. Góc nhìn của ông ra sao?

Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao, thế giới đang diễn ra chu kỳ tái cấu trúc chuỗi liên kết, chúng ta có cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng này và thay đổi đất nước.

Đây là thời điểm đòi hỏi doanh nghiệp Việt thay đổi căn bản phương thức kinh doanh so với trước đây. Đây cũng là thời kỳ cho thấy từng cá nhân phải bắt tay với nhau để đứng vững trước đại dịch.

Khó khăn đại dịch tác động lớn đến các tập đoàn lớn của thế giới, họ sẵn sàng tái cấu trúc doanh nghiệp như xem xét lại chuỗi, bạn hàng, đối tác và thậm chí bán đi một phần. Đây là cơ hội, nếu chúng ta có nguồn lực, có thể mua lại để trở thành những ngành, sản xuất độc lập.

Chúng ta đặt ra vấn đề tái cấu trúc từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, mục tiêu đặt ra phù hợp với thách thức hiện nay. Rõ ràng tái cấu trúc nền kinh tế không thể chậm trễ hơn hoặc nuối tiếc được nữa. Doanh nghiệp Nhà nước không làm được phải nhường sân chơi cho tư nhân. Thế giới không chờ chúng ta thay đổi mà đặt ra thách thức buộc chúng ta thay đổi hay tụt lại phía sau.

Tái cấu trúc nền kinh tế mới phải làm sao mô hình tăng trưởng không chạy theo các yếu tố đầu vào như vốn, lao động giá rẻ mà phải từ giá trị gia tăng, từ nội lực, công nghệ và hiệu quả. Chúng ta phải tạo ra giá trị gia tăng mới, phải làm chủ công nghệ, phải nhanh hơn, quyết liệt hơn so với thế giới, chứ đúng quy trình thì sẽ tụt lại.

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 10
Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 11

- Nói về tự cường, chúng ta có thị trường 100 triệu dân, khá nhiều công trình do doanh nghiệp trong nước làm được, sản phẩm trong nước nổi tiếng... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần đối xử nghiêm túc hơn với người tiêu dùng trong nước để tránh tình trạng "sính ngoại"?

Sính ngoại tùy hoàn cảnh, không phải ai cũng thế và không phải sản phẩm trong nước có thể thay thế được ý định mua sản phẩm ngoại tốt hơn.

Tuy nhiên, đại dịch này cho thấy rõ tăng trưởng vẫn dương và doanh nghiệp vẫn giữ được là do thị trường nội địa, do có người tiêu dùng Việt. Chúng ta có thị trường 100 triệu dân, dân lại có tính thích nghi rất cao và nhu cầu lớn từ thấp cấp đến cao cấp, đây là nơi trú chân, chỗ đi về của doanh nghiệp Việt.

Các doanh nghiệp Việt "trụ" lại được là do thị trường trong nước, còn bứt phá hay không là phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Muốn gì thì gì chúng ta phải giữ được chân ở trong nước, rồi có điều kiện tiếp cận và đưa ra thị trường sau đó xuất khẩu.

Chiến lược của hầu hết doanh nghiệp sắp tới cần coi trọng, giữ chân ở trong nước. Sức tiêu dùng và giá trị mua hàng hiện nay càng ngày càng tăng lên, chúng ta tạo những sản phẩm cao thì cho họ yên tâm tiêu dùng sản phẩm trong nước. Phải giữ bằng được niềm tin của người Việt trong tay bởi chẳng mấy chốc chúng ta sẽ mở cửa ồ ạt và không có cơ hội để sửa chữa.

Thực hiện: Nguyễn Tuyền

Thiết kế: An Nhi

Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 12
Trước biến cố Covid-19, người Việt phát huy ý chí dân tộc tự cường - 13
Theo dantri.com.vn
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top