Bảng xếp hạng VCE 10 được các nhà khoa học dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương, EVN, VEA, VER và thông tin tổng hợp dựa trên kết quả thực tế của các doanh nghiệp, chủ đầu tư công bố tham gia đầu tư năng lượng sạch tại Việt Nam hiện nay.
Tiêu chí đánh giá Bảng xếp hạng VCE 10 dựa trên quy mô đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, cập nhật xu thế năng lượng sạch trên thế giới, công nghệ, thiết bị, các yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tốc độ đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội…
Tổ hợp điện gió và điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng điện mặt trời và điện gió từ nhiều nguồn khảo sát, đánh giá là rất lớn. Ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời khoảng trên 330MWp và điện gió từ 27.000 – 140.000MW.
Với chủ trương thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích các loại hình nguồn điện NLTT qua các cơ chế “chi phí tránh được”, cơ chế Feed – in – tariff, net metering… cho các nguồn thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời. Nhờ đó, trong các năm gần đây nhiều nhà đầu tư nhà nước, cũng như tư nhân trong và ngoài nước đã xúc tiến xây dựng nhiều dự án, đưa tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo được tăng lên nhanh chóng.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) năm nay đã vượt qua nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập Đoàn Sunseap (Thái Lan)... vươn lên dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch Việt Nam năm 2019.
Tổng công suất nguồn điện của Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời và điện gió là trên 2.300MW. Trong đó, 2.164.52MW điện mặt trời và 139,15MW điện gió, chiếm 49% tổng công suất điện mặt trời, điện gió toàn quốc và chiếm 27,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện vừa và lớn).