Tại Cam Túc, Trung Quốc, một nữ y tá họ Lý đã bị phát hiện sử dụng nước muối sinh lý để giả mạo vắc xin HPV 4 chủng và HPV 9 chủng. Để tạo lòng tin, cô ta còn dẫn các nạn nhân đến những địa điểm như trung tâm thương mại, phòng khám gần bệnh viện. Điều tra sơ bộ cho thấy có ít nhất 160 người bị hại và hành vi phạm tội này đã kéo dài trong suốt 3 năm.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, vào tháng 4/2024, 4 phụ nữ đã đến trình báo rằng họ đã được nữ y tá họ Lý tiêm vắc xin HPV nhưng sau đó không tìm thấy thông tin tiêm chủng, mã truy xuất nguồn gốc vắc xin cũng bị nhiều người quét, nghi ngờ đã bị tiêm vắc xin giả, thực chất là bị lừa đảo.
Lý tại đồn cảnh sát. |
Cảnh sát lập tức điều tra và phát hiện, Lý lợi dụng sự thuận tiện khi trước đây từng làm việc tại bệnh viện, tự ý giữ lại các bao bì vắc xin đã sử dụng sau đó đổ nước muối sinh lý vào. Sau đó đánh vào tâm lý cấp thiết muốn tiêm vắc xin của nhiều phụ nữ, dưới chiêu bài "chăm sóc sức khỏe", "tiêm chủng ưu đãi", thông qua các nền tảng mạng xã hội, Lý tuyên bố có "kênh đặc biệt", không cần đặt lịch hẹn cũng có thể tiêm vắc xin HPV 4 chủng, 9 chủng, đồng thời sử dụng những lời lẽ như "số lượng có hạn", "kênh nội bộ" để tìm kiếm và thu hút khách hàng.
Điều tra sâu hơn cho thấy, trong sổ sách của Lý có nhiều lần xuất hiện các khoản tiền chuyển khoản 2484 nhân dân tệ, 4800 nhân dân tệ, tổng cộng hơn 600.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 2 tỷ đồng), liên quan đến hơn 160 nạn nhân. Ngoài ra, để tạo lòng tin, Lý đã dẫn các nạn nhân đến trung tâm thương mại, phòng khám gần bệnh viện và cả những nơi như cuối hành lang, nhà vệ sinh trong bệnh viện cũ nơi cô ta từng làm việc để tiêm chủng.
Cảnh sát tiết lộ thêm, Lý phạm tội trong suốt 3 năm và chủ yếu là thông qua giới thiệu của người quen. Nhiều nạn nhân tin tưởng cô ta tuyệt đối. Từ túi xách của Lý, cảnh sát đã thu giữ được 4 hộp bao bì "vắc xin" nhưng chữ viết trên đó đã bị mờ, mòn. Sau khi giám định, kết quả cho thấy tất cả đều là thuốc giả.
Qua trường hợp này, cảnh sát khuyến cáo mọi người cần phải đặt lịch tiêm chủng thông qua các kênh chính thức, không nên tin tưởng vào những "kênh riêng" để tránh bị lừa đảo. Nếu phát hiện các hành vi mua bán bất hợp pháp, làm giả bán giả, hãy kịp thời tố cáo.