Trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp khí canh trên quy mô công nghiệp là đề án của hai bạn Nguyễn Hữu Tuấn và Hoàng Diễm Hằng - sinh viên Trường Đại học Nông lâm TPHCM. Theo nhóm tác giả, hiện nay, có nhiều phương pháp phổ biến để trồng sâm Ngọc Linh, trong đó có trồng theo phương pháp thổ canh (trồng đất), theo phương pháp thủy canh (nước). Tuy nhiên, những phương pháp trên không mang lại hiệu quả kinh tế, không đạt về số lượng và chất lượng. Giải pháp được lựa chọn là trồng sâm bằng phương pháp khí canh (dạng hơi sương).
Điểm đặc biệt ở phương pháp này là áp dụng công nghệ 4.0 giúp tối ưu hóa môi trường, nhiệt độ, từ đó cho ra sản lượng và chất lượng vượt trội hơn. Bên cạnh đó, người trồng cây có thể theo dõi sâm 24/24 qua các thông số về môi trường bao gồm nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất và nồng độ khí CO2. Trên cơ sở đó có sự điều chỉnh thích hợp giúp cây phát triển ổn định. Phương pháp này giúp cây giống khỏe mạnh, sạch bệnh, tỉ lệ đồng đều cao. Ứng dụng công nghệ trong trồng sâm cũng giúp người dùng truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, thời gian sinh trưởng phát triển của cây. Hiện cả hai bạn đang nghiên cứu nhân giống ban đầu theo quy mô nhỏ và chờ thời gian để cây sâm lớn. Khi có sản phẩm và đánh giá, nhóm mới tiếp tục nâng cấp, cải tiến.
Việc trồng thành công sâm Ngọc Linh bằng phương pháp khí canh tạo ra nguồn dược liệu phong phú, khắc phục tình trạng khan hiếm giống sâm quý này trên thị trường. Nhóm tác giả nhận định việc trồng bằng khí canh vẫn cho hoạt chất tốt như trồng sâm trên đất, ngoài ra còn chủ động điều khiển được quá trình sinh trưởng của cây, phù hợp để nhân rộng.