Trí thức KH&CN góp ý kiến gửi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Công văn số 8830/MTTW-BTT ngày 26/8/2024 về việc báo cáo phản ánh, kiến nghị của Nhân dân tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, gửi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cơ quan đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) với số lượng lên đến 2,2 triệu trí thức, chiếm tới 32,5% đội ngũ trí thức cả nước, là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức KH&CN phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Ban chủ tọa điều hành hội thảo. Ảnh: Nghĩa Đức.

Ban chủ tọa điều hành hội thảo. Ảnh: Nghĩa Đức.

Từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới nay đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị - xã hội mà cử tri toàn quốc cũng như trí thức KH&CN quan tâm.

Những ý kiến của trí thức tại hội thảo sẽ được tập hợp gửi tới Quốc hội, là cơ sở để Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết.

Đề nghị xem xét dùng tên “Kỳ họp bổ sung” cho “Kỳ họp bất thường”

TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho hay, hiện nay, tất cả sáng kiến luật, dự thảo luật hầu hết đều do các cơ quan của Chính phủ thực hiện. Trên cơ sở dự thảo luật do Chính phủ trình, Quốc hội sẽ thảo luận, nếu thấy cần thiết sẽ yêu cầu cơ quan trình dự thảo bổ sung, điều chỉnh. Khi được đa số đại biểu Quốc hội tán thành, biểu quyết thông qua, văn bản luật đó được ban hành, thực thi.

Tuy nhiên, cơ quan hành pháp được giao xây dựng văn bản luật để chính mình thực hiện có thể không tránh khỏi tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Tân, Quốc hội nên xem xét lại việc giao cơ quan, tổ chức nào thực hiện xây dựng văn bản luật để trình Quốc hội. Các tổ chức ngoài Nhà nước, tổ chức xã hội, người dân cũng được ủng hội trong sáng kiến xây dựng pháp luật như thông lệ quốc tế.

Quốc hội cũng nên xem xét việc tăng thêm tỷ lệ đại biểu chuyên trách để có thể chủ động đảm nhiệm việc xây dựng văn bản pháp luật thay vì Quốc hội chỉ thảo luận, cho ý kiến và thông qua như hiện nay.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Mai Loan.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Mai Loan.

Về tên gọi “Kỳ họp bất thường”, ông Tân đề nghị xem xét, cân nhắc sử dụng cụm từ khác thay thế để tránh sự hiểu lầm trong dư luận xã hội theo hướng suy đoán với nội hàm không bình thường, tránh việc thế lực thù địch lợi dụng để bóp méo, xuyên tạc, chống phá chế độ và Nhà nước ta.

Theo ông Tân, nên sử dụng cụm từ “Kỳ họp bổ sung” thay thế cho “Kỳ họp bất thường”.

Còn thiếu vắng nhà khoa học hàng đầu

Cho ý kiến về phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, trong đó có trí thức KH&CN, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, cho rằng, chủ trương của Đảng rất đúng và trúng, thể hiện trong các Nghị quyết. Nhờ đó, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã đông về số lượng và tăng về chất lượng, trong đó có nhiều nhà khoa học uy tín, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng nhà khoa học hàng đầu để dẫn dắt, quy tụ các nhà khoa học lớn trong và ngoài nước cùng tham gia góp ý, tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong những quyết sách lớn, quan trọng.

Một trong những lý do là dường như chưa có hành lang pháp lý thật đầy đủ cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam. Từ đó, ông Giới đề nghị hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ cho lĩnh vực này.

"Nếu được biết đến, đánh giá đúng, được "chiêu hiền đãi sĩ" và ứng xử tốt, đúng mực, giao công việc để chủ động điều hành, họ sẽ lăn xả vào công việc khoa học, lĩnh vực mà họ đam mê, hiểu biết, sẵn sàng cống hiến hết mình vì lợi ích chung", ông Nguyễn Hữu Giới nói.

Ông Giới đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành Luật về Hội để góp phần đẩy mạnh quản lý, tổ chức Hội ở nước ta, thúc đẩy việc đoàn kết, tập hợp lực lượng đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia, hiến kế cho Đảng và Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng, quyết sách lớn mang tầm chiến lược.

Quang cảnh hội thảo ngày 17/9.

Quang cảnh hội thảo ngày 17/9.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức cũng đề xuất ý kiến về một số vấn đề cụ thể như Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; việc nâng cao chất lượng dự án luật, chính sách; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác lựa chọn cán bộ; vấn đề cải cách tiền lương; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của trí thức KH&CN tại Hội thảo. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất đóng góp để Tổ Thư ký tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét và gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo Đời sống
back to top