Trị rầy sáp bằng nước vo gạo vừa rẻ vừa an toàn.
Nghiên cứu khả năng trị rầy sáp từ axit có trong nước vo gạo sau khi lên men là ý tưởng của Phùng Thị Thanh Thảo và Quảng Thị Trọng Thủy, học sinh trường THCS Võ Trường Toản, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Bộ đôi tác giả cho biết, rầy sáp là một loại côn trùng gây hại trên nhiều loại cây, trái cây như na, đu đủ, ngô đồng… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như thẩm mỹ. Từ thực tế đó, Thanh Thảo và Trọng Thủy đã bắt tay nghiên cứu tìm ra “khả năng trị rầy sáp từ axit có trong nước vo gạo sau khi lên men”.
Cách làm khá đơn giản: Vo gạo và giữ lại phần nước chiết được để lên men ở nhiệt độ thích hợp (30 – 32 độ C) trong 3 ngày. Sau đó pha loãng nước vo gạo để lên men theo tỷ lệ 3:1 và kiểm tra độ axit có trong nước (giấy quỳ tím chuyển sang màu đỏ nhạt) và đổ hỗn hợp vào bình xịt phun sương. Chúng ta có thể xịt trực tiếp và bao phủ lên toàn bộ bộ phận bị rầy để tăng hiệu quả diệt trừ.
Để có lượng nước gạo lên men nhiều và sử dụng lâu dài, chúng ta có thể tiến hành thu gom nước gạo hàng ngày, lắng gạn và đổ đi phần nước trong. Sau đó phơi phần lắng gạn trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian 5 ngày.
Sau đó dùng cối chày giã nhuyễn thành dạng bột cho dễ hòa tan vào nước. Khi sử dụng thì lấy một lượng bột nhỏ hòa với nước theo tỷ lệ 1:5 (10 gam bột pha với 50 lít nước), sau đó để ủ lên men và thử độ axit bằng quỳ tím trước khi xịt.
Thu Hà