Trẻ em có xu hướng thức khuya hơn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ GD&DT Hoàng Minh Sơn cho biết việc điều chỉnh giờ học của học sinh tưởng chừng là nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn khi số giờ ngủ của học sinh rất quan trọng đối với việc học tập và việc này đã có những nghiên cứu kỹ.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn chứng nhiều nghiên cứu, học sinh Việt Nam và nhiều nước có xu hướng đi ngủ muộn. Theo ông, việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.

Cũng theo ông Sơn, việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khảo sát ý kiến và quyết định việc lùi giờ học theo đa số (93% đồng thuận) là phương án hợp lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trẻ em nên đi ngủ vào lúc 20 - 21h. Thời gian lên giường chưa được coi là giờ đi ngủ mà tính từ thời gian trẻ đi vào giấc ngủ. Tùy từng độ tuổi mỗi đêm trẻ cần được ngủ từ 8 - 10 tiếng đồng hồ.

Bác sĩ Tiến cho rằng trẻ nhỏ vào học lúc 7h30 hoặc 8h là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ vì trẻ có thể ngủ đủ giấc, tập thể dục một chút, làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị hành trang, ăn sáng và đến trường.

Bữa sáng rất quan trọng với trẻ vì sau khi ngủ một đêm dài trẻ sẽ bị thiếu năng lượng nên cơ thể cần được nạp năng lượng để bắt đầu một ngày học tập và những hoạt động mới. Trẻ nên ngủ trưa với những khoảng thời gian khác nhau. Trẻ mầm non ngủ trưa từ 1 - 2 tiếng, trẻ tiểu học 30 phút - 1 tiếng. Trẻ học cấp II và cấp III thì ngủ chừng 30 phút mỗi trưa.

Trước thông tin một số trường quốc tế có giờ vào học trễ và không cho trẻ ngủ trưa. Vậy trẻ ngủ trưa là tốt hay không tốt?

Về vấn đề này, bác sĩ Tiến cho rằng cho trẻ ngủ trưa là theo thói quen và là việc cần thiết cho những trẻ chưa ngủ đủ giấc trong đêm, còn những trẻ ở những độ tuổi khác nhau đã ngủ đủ giấc từ 8 - 10 tiếng thì cũng không cần thiết phải ngủ trưa.

BS.CKII Thái Thanh Thủy - trưởng khoa tâm lý - vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho hay giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Khi trẻ ngủ là lúc trẻ xử lý những thông tin tiếp nhận trong ngày và cũng là thời điểm trẻ sản xuất hormone tăng trưởng, có ích cho sự phát triển của xương và cơ bắp. Hormone melatonin gây ngủ thường xuất hiện muộn và kéo dài cho tới sáng hôm sau nên trẻ sẽ khó tỉnh giấc sớm.

Nếu như bắt đầu giờ học sớm thì trẻ sẽ khó lấy được tình trạng tỉnh táo khi tới trường. Trong giờ học, trẻ sẽ uể oải, khó tập trung, khó tiếp thu kiến thức; còn tâm trạng dễ buồn bực, chán nản, cáu gắt, khó kiểm soát hành vi.

Cả Học viện Nhi khoa Mỹ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ từ lâu đã phản đối giờ vào lớp sớm và ủng hộ giờ vào lớp của học sinh THCS và THPT không sớm hơn 8:30 sáng, theo Daily Mail.

Theo CDC Mỹ, hơn 70% học sinh trung học ở Mỹ không ngủ đủ 8 - 10 tiếng theo nhu cầu. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng các trường THCS và THPT nên vào lớp không sớm hơn 8:30 sáng.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về giờ vào lớp vẫn đang rất sôi nổi. Bởi thay đổi giờ vào lớp còn ảnh hưởng đến gia đình, giáo viên và cộng đồng rộng lớn hơn.

Theo Đời sống
Mất ngủ mãn tính có nguy hiểm không?

Mất ngủ mãn tính có nguy hiểm không?

Mất ngủ mãn tính là tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay và có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Nếu tình trạng này diễn ra quá lâu có thể sẽ gây ra các bệnh lý nghiêm trọng…. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng 
back to top