Ông Trịnh Đình Đề, chuyên gia công nghệ tự động hóa, Tổng Biên tập Tạp chí Tự động hóa ngày nay.
Không có bột thì sao gột nên hồ
Gần đây chúng ta nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), theo ông đấy có phải là dấu hiệu đáng mừng không?
Năm 1997, khi khởi thảo chương trình Kỹ thuật- kinh tế(KT-KT) về tự động hóa, nhiều người lo tự động hóa sẽ gây ra thất nghiệp. Chính đó cũng là một trở ngại cho việc triển khai chương trình trọng điểm quốc gia. Người ta nói đến tự động hóa còn dè dặt.
Bây giờ nhiều người nói đến CMCN 4.0, về bề ngoài có lẽ là một chuyển biến tốt,chứng tỏ chúng ta đã nhận thấy vai trò và sự tất yếu phải đi theo con đường ấy. Đó là mặt tích cực. Tuy nhiên, phải hiểu nó là cái gì thì mới biến mục tiêu ấy thành hiện thực được. Chứ cứ nói mà không hiểu thì có khi lại đi đến hậu quả khác.
Vậy cụ thể nó là gì, thưa ông?
Các nước tiên tiến trên thế giới thấy rằng, thời kỳ số hóa sẽ mở ra những phát triển mới trong sản xuất tiến tới thỏa mãn nhu cầu của con người. Trên nền tảng kỹ thuật trong mọi lĩnh vực ngày càng hiện đại và thông minh nếu được kết hợp với nhau thì sẽ tạo ra sự đột phá trong sản xuất, làm ra nhiều hàng hóa, tạo ra những dịch vụ tối ưu, cải thiện và nâng cao mức sống xã hội.
Công nghệ thông tin đã xóa ranh giới giữa các quốc gia thì sản xuất ra của cải cũng sẽ không bị bức tường nhà máy, bờ ruộng, sông biển ngăn cách nữa.Sự khác biệt của cuộc CM này là ở chỗ đó.
Phải có nền tảng kỹ thuật phát triển? Với chúng ta, liệu đó có phải là thách thức lớn?
CNTT của ta tốt, theo tôi có thể phấn đấuđể bắt kịp với thế giới được. Nên lấy cái đó để thúc đẩy những cái khác. Còn hạ tầng công nghệ công nghiệp của ta là chưa đủ. Nhiều nhà máy của nước ngoài đầu tư vào ta, đưa công nghệ mới hiện đại vào, nhưng mấy cái nhà máy ấy đã đủ để làm cuộc cách mạng này chưa?
Cần phải những đánh giá, tiêu chí, lộ trình rõ ràng.Trước mắt là chế độ chính sách, đường lối phát triển, sau đó là những thứ khác. Cách mạng là sự thay đổi mạnh mẽ. Không có bột thì làm sao gột nên hồ được… Ví dụ, vấn đề nhân lực là một bài toán nan giải, đào tạo ra sao, hướng về mảng công nghệ, quản trị như thế nào, thì hiện nay vẫn còn mờ ảo.
Phải thấy CMCN 4.0 là sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong lĩnh vực KHCN. Cách mạng là một sự đột biến, một bước nhảy vọt. Ta mới nói, chứ chưa làm như với bản thân một cuộc cách mạng.
Phải trả giá ở chỗ bị lệ thuộc
Một trong những điều người ta lo ngại là tự động hóa, máy móc… sẽ thay thế con người, khiến nhiều người phải thất nghiệp?
Vấn đề này đã khác trước. Không có tự động hóa, cuộc sống sẽ đi về thời kỳ đồ đá. Đơn giản như cái TV không có điều khiển từ xa là kể cả bác nông dân cũng không chịu được.
Gần đây người ta đã dùng thuật ngữ Thời đại tự động hóa. Tức là, xã hội chấp nhận và đầu tư cho công nghệ cao vì nó là nhu cầu của cuộc sống rồi. Công nghệ cao làm thay đổi tư duy và lối sống. Hơn nữa CMCN 4.0 đã là xu hướng phát triển của cả thế giới, nếu anh biết thì anh sẽ tiệm cận được, nếu không biết thì lại thụt lùisau họ.
Là xu hướng phát triển của thế giới, thì nếu ta không theo được sẽ phải trả giá?
Đúng vậy, sẽ phải trả giá ở chỗ bị lệ thuộc vào các nước khác. Cứ nói thế giới phẳng, nhưng có thể chỉ phẳng về CNTT thôi, mà điển hình ở nước ta là Viettel đã thể hiện được. Còn về KHKT, về con người không thể có chuyện một nước nghèo không có gì, không làm gì mà lại đòi thế giới phẳng để được hưởng như các nước phát triển.
Ông tin tưởng vào một sự thay đổi?
Chúng ta đã chậm hơn các nước rất nhiều rồi. Như tôi đã đọc được, Việt Nam muốn được như Singapore phải mất 197 năm. Tôi cho rằng nếu có lộ trình tốt về công nghệ không cần lâu như thế. Ta đang có đề án xây dựng thành phố thông minh, nhưng chưa có đề án về thành phố văn minh. Đương nhiên đó là hai lĩnh vực khác nhau, một về công nghệ, còn cái kia về con người.
Ở các nước từ văn minh chuyển sang thông minh rất dễ. Mình muốn theo kịp phải làm ngược lại: Dùng kỹ thuật cao để mọi người phải tốt lên. Ví dụ nếu có camera khắp nơi, muốn hay không muốn ra đường anh phải đi đúng luật, hành xử cho văn minh, nếu không là bị phạt. Có thế thì dần dần mới tạo thành thói quen.
Phải vào nhưng phải lựa chọn
Nói đến CMCN 4.0, là nói đến ngành của ông: tự động hóa?
Đúng vậy, vị thế của tự động hóa cực kỳ cao. Không có hạ tầng kỹ thuật tốt thì không thể có máy móc thông minh, không có nền sản xuấthiện đại thì không thể làm như các nước phát triển được, tất cả đều nằm trong phạm trù công nghệ tự động hóa. Nó là đầu tầu có thể thúc đẩy cả về chính sách, hướng đầu tư và phát triển nguồn nhân lực.
Chương trình Tự động hóa (TĐH) bắt đầu từ năm 1986, rồi sau đó là chương trình KT- KT. 30 năm ấp ủ có được một sản phẩm tự động hóa thương hiệu Việt. Cho đến bây giờ vẫn chưa có. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Đó là lỗi của nhà khoa học?
Lỗi của nhà khoa học một phần, lỗi rấtlớn là của nhà nước.Ví dụ trong nghiên cứu khoa học,đề tài nghiên cứu là phải tìm lời giải bài toán do nhà nước đặt hàng theo chiến lược phát triển Quốc gia theo lĩnh vực. Như công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần những sản phẩm nào của tự động hóa thì phải xây dựng nội dung ấy cho các đề tài nghiên cứu và đầu tư đến đích.
Đằng này, hầu hết nhà khoa học đề xuất là cái họ đang làm hoặc làm chưa xong đăng ký thành đề tài quốc gia(!?) để lấy kinh phí hoàn thiện. Cho nên nhiều đề tài nghiệm thu rồi bỏ ngăn kéo là thế. Tôi rất buồn vì chương trình KC về Tự động hóa biến mất hoặc như hiện nay đang thoi thóp. Làm sao triển khai được Công nghiệp hóa- hiện đại hóa mà không cần tự động hóa? Nhà nước thiếu một tư vấn cho phát triển chiến lược.
Tôi có đọc cuốn sách nói về phát triển công nghệ Hàn Quốc, họ rất ca ngợi Tổng thống Park Chung Hy, người đã tìm được các chuyên gia lỗi lạc vạch ra đường lối, xây dựng lộ trình đột phá để Hàn Quốc phát triển theo hướng công nghiệp.
CMCN 4.0 là xu thế, nhưng bước vào cuộc cách mạng đó như thế nào là lựa chọn của mỗi nước?
Đúng là xu hướng, phải vào nhưng phải lựa chọn. Trong các ngành sản xuất công, nông nghiệp thì chọn hướng đi nào, lợi thế nào của mình để đầu tư ít đi, hiệu quả cao lên.
Đưa công nghệ nước ngoài vào là rất tốt, rất hay chứ, nhưng làm sao anh khai thác được để nội địa hóa, để trở thành cái của anh. Lúc đầu là vay mượn của nước ngoài, sau nó thành của mình. Nội địa hóa để có nền công nghiệp độc lập.
Còn vấn đề nhân lực, thưa ông?
Dù thế giới có phẳng nữa thì con người làm chủ công nghệ vẫn phải được xem là bảo bối cho phát triển thành công và bền vững. Tạo nguồn nhân lực cho cuộc CM này là công việc quan trọng quyết định thời gian và tốc độ để đến đích.
Phải đồng bộ với việc nâng cao mặt bằng văn hóa và giao dục của toàn xã hội. Các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ được tập hợp lại là vốn quý tư vấn cho lãnh đạo có chiến lược phát triển ngành được chuẩn xác hợp thời.
Tôi rất kỳ vọng Việt Nam có được cuộc CM thực sự về công nghệ, sự nghiệp Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông!
Nhật Minh
(thực hiện)